Mô hình kinh doanh 'thuê bao' đang phát triển tại Nhật Bản

Số doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh doanh 'thuê bao' đang gia tăng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thích sử dụng sản phẩm theo cách khác biệt và tiết kiệm.
Toyota Motor Corp. là nhà sản xuất ôtô đầu tiên của Nhật Bản đưa ra dịch vụ cho thuê bao xe trong năm nay. (Nguồn: Reuters)
Toyota Motor Corp. là nhà sản xuất ôtô đầu tiên của Nhật Bản đưa ra dịch vụ cho thuê bao xe trong năm nay. (Nguồn: Reuters)

Tại Nhật Bản, mô hình kinh doanh dựa trên đăng ký thuê bao và trả phí theo tần suất nhất định (subscription) phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển khác chủ yếu do các rào cản về quy định.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh doanh này đang gia tăng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thích sử dụng sản phẩm theo cách khác biệt và tiết kiệm.

Kinh doanh thuê bao là một mô hình kinh doanh mà trong đó khách hàng phải đăng ký sử dụng và trả phí theo một tần suất nhất định, như hàng tháng hay thường niên, để được tiếp cận với một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.

Mô hình này đã được các nhà xuất bản sách đi tiên phong từ thế kỷ thứ 17 và giờ đây được nhiều doanh nghiệp và trang web áp dụng.

Những cái tên đình đám nhất hiện nay theo đuổi mô hình kinh doanh này là công ty sản xuất và cung cấp dịch vụ truyền thông Netflix của Mỹ hay công ty dịch vụ truyền thông Âu-Mỹ có trụ sở ở Luxembourg-Spotify.

[Netflix mất 17 tỷ USD giá trị do sụt giảm thuê bao ngay trên đất Mỹ]

Giới phân tích cho rằng dù xu hướng trên thể hiện rõ nét đối với các sản phẩm có giá cao, các công ty ngày càng nhận thấy việc khuyến khích khách hàng trả phí thuê bao để sử dụng lặp lại sản phẩm của mình, thay vì bán hàng một lần sẽ giúp xây dựng mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng.

Đây cũng là một cách hiệu quả hơn để bắt kịp với thị trường không ngừng biến đổi.

Tien Tzuo, người sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) của Zuora Inc., một nhà cung cấp nền tảng quản lý thuê bao hàng đầu đang phục vụ hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới, cho biết người tiêu dùng ngày càng quen với mô hình thuê bao sau sự nổi lên của các cái tên như Netflix trong lĩnh vực video/phim ảnh và Spotify trong lĩnh vực âm nhạc.

Theo Viện nghiên cứu Yano, thị trường dịch vụ subscription của Nhật Bản hiện diện trong 8 ngành, trong đó có thời trang, nhà hàng và giải trí, ước tính có giá trị khoảng 562,74 tỷ yen (5,18 tỷ USD) trong tài khóa 2018 kết thúc vào 31/3/2019, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Yano cho biết thị trường này được dự đoán sẽ đạt 777,80 tỷ yen trong tài khóa 2021 và 862,35 tỷ yen trong tài khóa 2023.

Trong số những “người mới” tham gia mô hình subscription, Shiseido Co. đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm dưỡng da được dùng với một công cụ phân phối tại nhà với giá 10.800 yen/tháng (khoảng 2,3 triệu đồng), hướng tới đối tượng phụ nữ trong độ tuổi 30-40.

Công cụ phân phối này có thể phối trộn các sản phẩm dưỡng da dành riêng cho từng khách trong 80.000 mẫu dựa trên các dữ liệu được gửi đi từ điện thoại thông minh của khách hàng, như tình trạng da và sức khỏe...

Đối với các mặt hàng như ôtô, Takuya Ichikawa, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Daiwa, cho rằng mức độ nhận thức ngày càng cao về tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong số người tiêu dùng trẻ đang thúc đẩy xu hướng chuyển từ sở hữu sang thuê bao sử dụng.

Toyota Motor Corp. là nhà sản xuất ôtô đầu tiên của Nhật Bản đưa ra dịch vụ cho thuê bao xe trong năm nay.

Với dịch vụ có tên “Kinto," một khách hàng có thể thuê các mẫu xe thông dụng như dòng xe lai xăng-điện Prius với giá từ khoảng 50.000 yen/tháng (khoảng 10,6 triệu đồng) hay dòng xe sang Lexus với giá từ khoảng 200.000 yen (khoảng 42,5 triệu đồng), bao gồm bảo hiểm, dịch vụ bảo dưỡng, hỗ trợ khẩn cấp 24h và thuế.

Trong ngành đồ uống, công ty Kirin Brewery Co. cung cấp dịch vụ "Home Tap", giao bốn lít bia tươi trực tiếp từ nhà máy đến tận nhà khách hàng với mức giá hàng tháng 8.100 yen (1,7 triệu đồng).

Kirin hướng đến đối tượng khách hàng “chịu chi” cho sản phẩm chất lượng cao, hơn là đối tượng khách hàng muốn tiết kiệm chi phí. Nhưng công ty này đang phải tạm thời ngừng nhận đặt hàng cho dịch vụ "Home Tap" vì nhu cầu quá cao.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mà mô hình thuê bao không phát huy hiệu quả. Nhà bán lẻ thời trang Aoki Holdings Inc. đã bỏ mô hình thuê bao sau chưa đầy một năm ra mắt.

Ông Tzuo ở công ty Zuora Inc. cho rằng bài học ở đây là các công ty không thành công với mô hình này đã không bắt đầu từ người tiêu dùng.

Ông cho biết thành công trong dịch vụ thuê bao không được quyết định tại thời điểm bắt đầu mà là sau đó, khi công ty tiếp tục thu hút khách hàng và giữ chân khách ở lại với mình.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia nghiên cứu Ichikawa, việc thu thập đánh giá của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong các dịch vụ thuê bao, không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn giúp khách hàng không bị nhàm chán.

Chuyên gia này cho biết: "Ngày nay, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn để nắm bắt các nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng. Các công ty không đi theo hướng này sẽ đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau hoặc thậm chí thua cuộc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.