Bốn cơ quan quản lý của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, đã tiến hành các cuộc đàm phán chung với tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group (thuộc Alibaba) về những quy định liên quan đến hoạt động phòng, chống độc quyền.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương và Hội nghị lần thứ 9 của Ban Kinh tế Tài chính Trung ương đã nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn sự bành trướng, cũng như phòng ngừa rủi ro thị trường hiệu quả.
Nhận định về việc này, ông Pan Gongsheng, Phó Thống đốc PBoC, cho biết đây là khẩu hiệu mới được thúc đẩy kể từ tháng 10 năm ngoái, nhằm kiềm chế tình trạng độc quyền và ngăn chặn sự bành trướng trên thị trường vốn. Trong đó, phải kể đến sự thay đổi quyết liệt của giới lãnh đạo đảng Trung Quốc, khi những hành vi trước đây từng được “bỏ qua” nhiều khả năng sẽ không còn nữa.
Chỉ dấu về một quãng thời gian khó khăn hơn
Phiên chất vấn mới nhất của Ant Group là một chỉ dấu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn mở rộng đối tượng trong chiến dịch chống tham nhũng đặc biệt của mình sang các công ty tư nhân.
Trước đây, nhiệm vụ loại bỏ tham nhũng luôn được nhắc đến tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song thường chỉ dừng ở mức hô khẩu hiệu. Tuy nhiên, mọi thứ đã đổi khác dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông đã thực thi một cách nghiêm ngặt những quy định hiện hành.
[Trung Quốc chặn IPO của Ant Group, gửi thông điệp đến tỷ phú Jack Ma]
Trước đó, một đạo luật chống độc quyền từng rơi vào quên lãng đã bất ngờ được tái thực thi nghiêm ngặt với việc tập đoàn Alibaba phải chịu mức phạt cao kỷ lục 2,8 tỷ USD, tương đương 4% doanh thu nội địa của tập đoàn này trong năm 2019.
Chưa dừng lại ở đó, Ant Group - nhánh tài chính nổi tiếng của Alibaba với dịch vụ thanh toán điện tử Alipay, hồi tháng 11 năm ngoái đã buộc phải hoãn kế hoạch niêm yết tại Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc), gây ra làn sóng chấn động khắp các thị trường toàn cầu.
Trong cuộc đàm phán, bốn cơ quan quản lý đã yêu cầu Ant Group dịch chuyển tất cả các hoạt động tài chính, bao gồm cả dịch vụ Alipay, cho một công ty tài chính mới dự kiến được thành lập sau này và phải chịu sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 6 tháng, các cơ quan quản lý Trung Quốc tổ chức cuộc đàm phán với các Giám đốc điều hành của Ant Group.
Cuộc thẩm vấn đầu tiên diễn ra hồi đầu tháng 11, khi kế hoạch huy động hơn 34 tỷ USD của Ant Group trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới bị chặn vào phút chót.
Đến tháng 12, các Giám đốc điều hành của Ant Group tiếp tục bị thẩm vấn một lần nữa và lần thứ ba diễn ra vào tuần trước.
Ở Trung Quốc, hành động chất vấn các Giám đốc điều hành hàng đầu của một công ty cho thấy vận mệnh không mấy thuận lợi của công ty đó.
Mặc dù vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang Yong đã bác bỏ ý kiến cho rằng mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sẽ tác động tiêu cực "về mặt vật chất" đối với hoạt động của tập đoàn.
Đi tìm thế cân bằng giữa giới doanh nghiệp tư nhân và chính phủ
Những diễn biến căng thẳng gần đây giữa giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và chính phủ, giữa nguồn tiền vốn và quyền lực chính trị, đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi rốt cuộc cần phải duy trì một mối quan hệ như thế nào, hay nói cách khác, Chính phủ Trung Quốc thích doanh nhân như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Jack Ma - người sáng lập Alibaba, đã tổng kết mối quan hệ tế nhị với chính trị qua hình thức ví von “luôn yêu, nhưng không bao giờ kết hôn.”
Trong khi đó, ông Vương Kiện Lâm, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Vạn Đạt (Wanda) Đại Liên của Trung Quốc, cho rằng trạng thái thoải mái nhất trong mối quan hệ chính trị-kinh doanh là “gần gũi với chính phủ và tránh xa chính trị.” Dù sử dụng những ngôn từ khác nhau nhưng có thể thấy hàm ý của họ cũng gần giống nhau, đó chính là doanh nghiệp cần phát triển mối quan hệ tốt với chính phủ.
Tuy nhiên, bất chấp việc hai nhà lãnh đạo Jack Ma và Vương Kiện Lâm nhấn mạnh vào nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ, họ vẫn bị nghi ngờ mở rộng vốn một cách không có trật tự và bị dư luận bên ngoài đặt câu hỏi về mối quan hệ không rõ ràng giữa chính trị và giới kinh doanh.
Từ xưa đến nay, việc xử lý các mối quan hệ chính trị-kinh doanh luôn là điều tế nhị, nếu mối quan hệ giữa doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc quá thân thiết sẽ dễ có ý kiến là giữa các quan chức và doanh nhân có sự cấu kết.
Lấy ví dụ trường hợp của Hồ Tuyết Nham, một thương nhân hàng đầu trong triều đại nhà Thanh, người có mối quan hệ rất thân thiết với các quan trong triều, đồng thời dựa vào mạng lưới quan hệ để xây dựng khối tài sản thương mại khổng lồ, thậm chí gần bằng doanh thu tài chính của triều đình.
Nhưng sau đó, người này do bị quan lại uy hiếp tống tiền, thương nhân nước ngoài bài xích nên cuối cùng rơi vào kết cục thê thảm nghèo đói. Điều này đúng như người ta đã nói, “thành cũng bởi chính trị, bại cũng bởi chính trị.”
Tuy nhiên, nếu mối quan hệ với chính phủ quá xa, chính phủ và doanh nghiệp không tin tưởng lẫn nhau thì cũng rất khó để kinh doanh tốt ở Trung Quốc.
Về cách giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và kinh doanh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng mối quan hệ chính trị-kinh doanh kiểu mới, bao gồm “thân” (thân thiện) và “thanh” (trong sạch) trong kỳ họp Lưỡng hội toàn quốc năm 2016. Tuy nhiên, có vẻ rất khó để thực hiện hai điểm này ở Trung Quốc.
Năm 2017, Vương Kiện Lâm, người đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc trong 4 năm, bắt đầu trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong đời, bởi tập đoàn Wanda của ông, khởi đầu là một tập đoàn bất động sản thương mại, bất ngờ chịu sự giám sát của cơ quan quản lý giám sát Trung Quốc kể từ tháng Sáu.
Điều này khiến giá cổ phiếu và thị trường trái phiếu cùng giảm mạnh, sau đó một lượng lớn đầu tư ra nước ngoài bị hạn chế do bị Chính phủ Trung Quốc chỉ đích danh cấm “vay nợ” để đầu tư ra nước ngoài, cuối cùng Wanda đã phải bán tài sản theo “kiểu giảm giá.”
Nguyên nhân là do vị đại gia “thân cận chính phủ, tránh xa chính trị” này đã vay hơn 600 tỷ nhân dân tệ của các ngân hàng nội địa Trung Quốc để mua nhiều tài sản không có lợi như khách sạn, thể thao, điện ảnh và truyền hình… ở nước ngoài.
Theo cuộc phỏng vấn của các cơ quan báo chí truyền thông như Thời báo New York, về mặt ngăn ngừa rủi ro tài chính ở cấp quản lý giám sát của Trung Quốc, Wanda có nguy cơ chuyển tài sản ra nước ngoài và tạo ra bong bóng tài chính.
Đối với Trung Quốc, việc siết chặt đòn bẩy cao trong nền kinh tế và giảm tỷ lệ nợ để giải quyết các rủi ro tài chính mang tính hệ thống của toàn bộ nền kinh tế quốc dân là vấn đề chính trị quan trọng nhất, được xếp “vấn đề hàng đầu trong ba trận chiến công kiên.”
Trong bối cảnh đó, tập đoàn Wanda của ông Vương Kiện Lâm đã thực hiện các vụ mua bán và sáp nhập điên cuồng ở nước ngoài với tỷ lệ nợ lên tới 70% và mở rộng một cách vô trật tự. Kể từ đó, sự nghiệp của ông Vương Kiện Lâm đã gặp phải những thất bại lớn, không còn huy hoàng như trước đây và bản thân ông cũng trở nên lặng lẽ một cách hiếm thấy.
Trong khi đó, Tập đoàn Ant Group đã tạm dừng kế hoạch niêm yết do chịu sự thẩm tra và đánh giá của các cơ quan giám sát quản lý Trung Quốc.
Còn ông Jack Ma cũng không công khai lộ diện trong một thời gian dài, khác hẳn với lời lẽ khoa trương và hoạt động tích cực trước đây.
Theo tin tức của Nhật báo Wall Street, trước khi Ant Group phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong một cuộc điều tra, Bắc Kinh phát hiện trong bản thuyết minh kêu gọi đầu tư của Ant Group đã che giấu tính phức tạp về cơ cấu cổ phần của tập đoàn này.
IPO của Ant Group sẽ tạo ra một số lượng lớn tài sản khổng lồ và mở rộng khoảng cách giàu nghèo. Đây là một mô hình tạo ra của cải mà Bắc Kinh đã phản đối trong những năm gần đây và không phù hợp với định hướng chính sách “thịnh vượng chung."
Điều khiến cơ quan giám sát quản lý tài chính của Trung Quốc lo lắng hơn cả là mô hình kinh doanh của Ant Group. Ứng dụng thanh toán Alipay của tập đoàn này có hơn một tỷ người dùng, đồng thời cung cấp cho Ant Group một lượng lớn số liệu về thói quen tiêu dùng, hành vi và lịch sử vay mượn, hình thành hành vi độc quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Đồng thời, tập đoàn này đã cung cấp các khoản vay cho khoảng 500 triệu người, nhưng họ không phải tuân theo các quy định về vốn và thị trường tài chính nghiêm ngặt của Trung Quốc mà thay vào đó, các ngân hàng quốc doanh cung cấp phần lớn tiền vốn và gánh chịu rủi ro.
Tháng 11/2020, ông Jack Ma đã thẳng thắn chỉ trích các cơ quan quản lý giám sát tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính bến Thượng Hải, chỉ ra rằng những quy định này là không cần thiết và sẽ khiến sự đổi mới công nghệ bị thụt lùi.
Tuy nhiên, bài phát biểu lần này của ông Jack Ma rõ ràng là không hiểu được mối lo ngại của các nhà lãnh đạo cấp cao trung ương cũng như các vấn đề của bản thân mô hình tài chính Ant Group. Và đây chính là “vấn đề chính trị lớn” không thể bị phá vỡ trong mối quan hệ chính trị-kinh doanh.
Bài phát biểu này đã khiến các nhà lãnh đạo giám sát quản lý cấp cao giận dữ và trở thành “ngòi nổ” làm gián đoạn đợt IPO của Ant và chỉnh đốn cải cách lại Ant Group.
Bài học rút ra: Lặng lẽ kinh doanh và tập trung chuyên môn?
Trong khi đó, những doanh nhân như nhà lãnh đạo Nhậm Chính Phi của Huawei và Lưu Vĩnh Hảo của tập đoàn New Hope là những người sống thực tế, giữ khoảng cách với chính trị.
Những người này được cho là phù hợp với đường lối chính trị lớn của đất nước, không chỉ có thể đấu tranh để có thêm không gian phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp, mà còn nhận được sự khen ngợi từ xã hội và chính phủ, dường như họ chính là những doanh nhân mà Bắc Kinh mong đợi.
Nhà lãnh đạo Lưu Vĩnh Hảo của Tập đoàn New Hope, bắt đầu với việc chăn nuôi lợn vào năm 1982 và sau đó phát triển kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đã trở thành một trong những doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc.
Hiện nhà lãnh đạo này đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cốt lõi về “chip lợn” trong ngành giống nhằm tạo ra đột phá trong “ngành giống” chăn nuôi lợn của Trung Quốc, được chính phủ khuyến khích và ủng hộ.
Kể từ khi thành lập Huawei vào năm 1987, ông Nhậm Chính Phi đã tập trung vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông.
Giờ đây, công ty đã phát triển thành nhà cung cấp thiết bị đầu cuối thông minh và cơ sở hạ tầng ICT (thông tin và truyền thông) hàng đầu thế giới. Mấy chục năm qua, ông luôn tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cốt lõi.
Giờ đây, trong các lĩnh vực tuyến đầu như 5G, Huawei đã làm chủ một số lượng lớn các công nghệ cốt lõi và đang nỗ lực nghiên cứu phát triển các công nghệ chip lõi. Điều này cũng đã vượt xa chiến lược quốc gia của Trung Quốc và chắc chắn trở thành đối tượng được quốc gia ủng hộ hiện nay.
Ông Nhậm Chính Phi được nhiều người ca ngợi là một doanh nhân kiểu mẫu. Đây là một trong những người hiểu biết về “vấn đề chính trị lớn” của Trung Quốc.
Thứ hai, Huawei không giống như Alibaba và Wanda, chỉ làm giàu nhanh chóng và cũng không bị một số người đặt câu hỏi về cơ cấu cổ phần không rõ ràng. Đây cũng là biểu tượng cho khái niệm xã hội chủ nghĩa về “sự thịnh vượng chung."
Cải cách và mở cửa ở Trung Quốc đã kéo dài 40 năm. Trong 40 năm đó, vô số người đã sa vào vấn đề quan hệ chính trị và kinh doanh không phù hợp với định hướng chính sách kinh tế quốc gia, khiến sự nghiệp bị thất bại. Đằng sau điều này, môi trường thể chế của Trung Quốc tất nhiên phải có trách nhiệm, nhưng những doanh nhân vấp ngã đó cũng đáng trách không kém.
Và trong 40 năm qua, cũng đã có một số lượng lớn doanh nhân phát triển ổn định và lâu dài như các nhà lãnh đạo Nhậm Chính Phi và Lưu Vĩnh Hảo. Họ là người lặng lẽ và thực tế, nhưng vì hiểu được vấn đề chính trị lớn của Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực riêng, giữ ranh giới của mình, không ngừng làm việc chăm chỉ và dẫn dắt công ty của họ tiếp tục lớn mạnh, họ từ lâu đã trở thành những doanh nhân được Chính phủ Trung Quốc tin tưởng. Mối quan hệ chính trị- kinh doanh kiểu mới “thân thiện” và “trong sạch” có thể nói là thuộc loại này./.