Trái tim của mỗi người là khác nhau, đặc biệt là người mắc các bệnh lý tim mạch. Do đó, đây là một trong những khó khăn của quá trình cấy ghép tim nhân tạo.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Robotics đã đem lại hy vọng rằng những mô hình tim 3D in sinh học sẽ giúp bác sỹ phẫu thuật, cấy ghép dễ dàng hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng in tim sinh học 3D trong tương lai sẽ hỗ trợ bác sỹ xác định chính xác thiết bị cấy ghép tim phù hợp với bệnh nhân cần phẫu thuật hoặc cấy ghép.
Ông Luca Rosalia, nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts-Havard, nói rằng trái tim của mỗi người là khác nhau, đặc biệt là người bệnh, song hệ thống in tim 3D không chỉ tái tạo hình dạng mà còn cả chức năng của trái tim.
Chẳng hạn, khi van tim dẫn đến động mạch chủ, mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể, bị hẹp lại - một tình trạng gọi là hẹp động mạch chủ, một van tổng hợp thường được cấy ghép để mở rộng van tự nhiên.
[Mỹ sử dụng công nghệ in sinh học 3D tạo mô mắt nghiên cứu bệnh mù lòa]
Các nhà nghiên cứu cho biết với quy trình mới, các bác sỹ có thể in một bản sao của tim và động mạch chủ của bệnh nhân, sau đó thử nhiều van khác nhau trên mô hình in để tìm ra cái nào hoạt động tốt nhất.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã lần đầu tiên sử dụng ảnh quét tim của 15 bệnh nhân bị hẹp động mạch chủ để tạo ra các mô hình 3 chiều về giải phẫu tim mạch.
Các mô hình được in 3D bằng mực gốc polymer. Sau đó, họ tạo ra ống ngoài tương tự như vòng bít đo huyết áp quấn quanh tim và động mạch chủ được in để bắt chước hoạt động bơm máu của tim và động mạch chủ co lại là biểu hiện hẹp động mạch chủ.
Các nhà nghiên cứu cho biết mô hình thể hiện chính xác áp suất bơm và lưu lượng máu của bệnh nhân đã được đo trước đó ở bệnh nhân, đồng thời hy vọng mô hình tim sinh học 3D có thể mở đường cho việc cải thiện chăm sóc lâm sàng cho hàng triệu người trên toàn thế giới mắc chứng hẹp động mạch chủ và các tình trạng tim mạch khác./.