Ngày 11/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ 2.
Đây là diễn đàn quan trọng để ngành năng lượng đối thoại với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề lớn liên quan đến phát triển năng lượng gió.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, GWEC cho biết tiếp nối thành công của Hội nghị Điện gió Toàn cầu lần đầu diễn ra năm 2018, Hội nghị Hiệp hội Điện gió Toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 sẽ tập trung vào phương án thúc đẩy huy động tài chính cho các dự án điện gió tại Việt Nam, các hội nghị bàn tròn ngoài khơi nhằm tìm ra giải pháp để các dự án điện gió vay vốn ngân hàng tốt hơn, có thêm mô hình tài chính mới để phát triển ngành điện gió.
Hội nghị lần này cũng chia sẻ các góc nhìn và kinh nghiệm của các bên liên quan ở cả trong nước và quốc tế trong ngành điện gió để xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu về một tương lai xanh hơn.
Theo ông Naveen Ballachandran, Cố vấn đặc biệt của GWEC, điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỷ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới.
Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng, bởi đây là lựa chọn sản xuất điện chi phí hiệu quả nhất. Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo mới, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Tới năm 2025, điện gió có thể trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững và sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Dự án điện gió đã tạo ra động lực thúc đẩy thị trường năng lượng gió của Việt Nam và thu hút một loạt các dự án khác. Hiện đã có 228MW công suất điện gió được lắp đặt và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu công suất điện gió 800MW vào năm 2020, 2.000MW năm 2025 và mức 6.000MW năm 2030.
“Chính phủ Việt Nam đã đi đầu và thiết lập các mục tiêu năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và phát triển kinh tế năng lượng bền vững. Mục tiêu hiện tại là cung cấp 10,7% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Việt Nam cũng đã thiết lập mục tiêu 800 MW gió cụ thể vào năm 2020 để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo," ông Naveen Ballachandran cho biết thêm.
“Tháo gỡ” rào cản pháp lý
Phân tích trở ngại lớn nhất trong huy động tài chính và dòng tiền mặt cho các Dự án Điện gió tại Việt Nam, ông Jootst Siteur, Trưởng ban huy động đầu tư, Chương trình Năng lượng sạch Châu Á Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID Clean Power Asia) cho rằng các nhà đầu tư điện trong nước đã huy động khả năng tiếp cận vốn vay của các Hợp đồng mua bán điện (PPA), theo đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý và chính sách PPA.
Điều tương tự cũng xảy ra với các dự án tái tạo, mặc dù có ưu đãi đầu tư và FIT cao, nhưng chỉ có vài dự án được đưa vào giai đoạn xây dựng và bắt đầu hoạt động cho đến nay.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng nhìn thấy nhiều yếu tố rủi ro trong thị trường mới nổi này, cụ thể như luật trọng tài, cắt giảm, chấm dứt và bảo lãnh Chính phủ, giấy phép, giá cả và xây dựng năng lực…tất cả đều phải được tính đến khi mở khóa tiềm năng thị trường cho năng lượng gió ở Việt Nam.
Tại Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ 1, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đã khuyến nghị bãi bỏ các rào cản pháp lý lớn trong lĩnh vực này để giảm bớt quá trình đầu tư. Ngoài ra, các đại sứ quán ở nước ngoài đề nghị thành lập Hiệp hội Điện gió Quốc gia. Sự thay đổi quan trọng gần đây được thực hiện trong ngành là các FIT tăng.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 9 năm 2018, giá FIT các dự án năng lượng gió đã tăng từ 7,8 cent/kWh lên 8,5 cent/kWh cho các dự án điện gió trên bờ và lên 9,8 cent/Wh cho các dự án gió ngoài khơi.
Sự gia tăng này, có hiệu lực từ tháng 11/2018, dự kiến sẽ có tác động tích cực đến ngành năng lượng gió bằng cách cung cấp thuế nhập khẩu thương mại hơn cho các nhà đầu tư và nhà phát triển tại thị trường Việt Nam. Các dự án hiện tại cũng sẽ đủ điều kiện áp dụng mức thuế mới trong suốt thời gian thỏa thuận mua điện PPA.
"Chính phủ Việt Nam cũng đã tăng thuế nhập khẩu (FIT) cho các dự án điện gió cả trên bờ lẫn ngoài khơi vào tháng 9 năm 2018, nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường và cân bằng rủi ro cao trong các thị trường mới nổi, cụ thể là khả năng thanh toán thỏa thuận mua bán. FIT được thiết lập cho tất cả các dự án đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2021, nhưng thực tế vẫn chưa rõ ràng.
Việt Nam cũng đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại- một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường an ninh năng lượng...” bà Liming Qiao nhấn mạnh.
Thúc đẩy quy hoạch ngành điện gió ngoài khơi
Ông Alastair Dutton, Chủ tịch Đội hoạt động chuyên sâu về năng lượng gió ngoài khơi, GWEC cho biết: Thực tế, đầu tư vào các nhà máy điện gió ngoài khơi khó khăn hơn các nhà máy điện trên bờ và đây cũng là một khoản đầu tư rủi ro cho các nhà nhà đầu tư tư nhân. Bởi chỉ có những nhà đầu tư đủ hiểu biết về các khía cạnh tài chính và kỹ thuật mới có thể chấp nhận rủi ro.
Ngoài ra, các nhà đầu tư năng lượng gió sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với những người trong ngành năng lượng mặt trời, cụ thể sẽ mất thời gian để kiểm tra địa điểm; sản xuất và vận chuyển các thành phần tuabin gió… đặc biệt là việc thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.
Đánh giá các ảnh hưởng của các Dự án Điện gió ngoài khơi đối với môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, theo Nghị định số 18/205/NĐ-CP, báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được yêu cầu thực hiện đối với các dự án điện gió có diện tích từ 100 ha trở lên hoặc tác động tới các khu vực bảo tồn; sử dụng đất rừng hay đất trồng lúa; yêu cầu lắp đặt đường dây nối lưới từ 110 kV trở lên...
Đối với các dự án không thuộc nhóm trên, chủ đầu tư phát triển dự án chỉ cần lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Hiện các trạm đo gió trong hệ thống trạm quan trắc khí tượng của Việt Nam chỉ đo ở tầm thấp nên hầu như không có dữ liệu gió trên cao để phục vụ cho công tác đánh giá tiềm năng năng lượng gió phục vụ xây dựng điện gió ngoài khơi.
Các dự án điện gió hiện nay được yêu cầu phải nằm trong quy hoạch điện lực hoặc chưa thì phải được bổ sung vào quy hoạch. Cụ thể, đối với các dự án điện gió ngoài khơi, trong tương lai phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch không gian biển.
Vì vậy, thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam rất cần sự hỗ trợ về mặt kinh phí và công nghệ, trang thiết bị để có thể tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi cho toàn vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, đề nghị được chia sẻ các thông tin, số liệu khảo sát chi tiết từ các dự án điện gió đã và đang thực hiện để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia./.