Mở lối ra cho nông sản của hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh

Ngoài hỗ trợ kết nối cung-cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến, siêu thị, chợ đầu mối, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã bán hàng theo hình thức combo nông sản.
Mở lối ra cho nông sản của hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 1Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành (phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang) có trên 20 ha trồng rau chuyên canh theo hướng sạch, an toàn. (Ảnh: TTXVN)

Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc tiêu thụ sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã rơi vào tình trạng bế tắc.

Với kinh nghiệm sau khi hỗ trợ các tỉnh miền Bắc tiêu thụ nông sản thành công, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ và mang tính lâu dài để kết nối cung cầu tạo đầu ra cho hàng hoá khu vực này.

Đặc biệt, Nghị Quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID được ban hành mới đây được ví như Nghị quyết mở đường để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thêm cơ hội phục hồi và phát triển bền vững.

Khó khăn nội tại

Với gần 45 tấn nhãn đang chờ thu hoạch, vài tuần nay, các thành viên Hợp tác xã Tích Phước tại Vĩnh Long như ngồi trên đống lửa do nhãn đến vụ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.

Nguyên nhân do dịch COVID-19 khiến vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, thiếu hụt nhân công, tiểu thương, các đơn vị thu mua ngại di chuyển do phải qua nhiều chốt chặn kiểm soát và tài xế xe tải phải thực hiện test nhanh COVID-19 và chỉ có hiệu lực trong vòng 72h.

Theo ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Hợp tác xã Tích Phước, tuy vụ này nhãn cho năng suất khá, từ 2-3 tấn/công nhưng giá quá thấp, chỉ 8.000-9.000 đồng/kg. Với mức này, người trồng nhãn sẽ lỗ nặng vì chi phí sản xuất nhãn Ido rất cao.

Cùng chung cảnh ngộ này, ông Trần Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An chia sẻ, hợp tác xã cũng gặp khó khăn khi sản phẩm chanh của thành viên chưa thể tiêu thụ được.

Trước đây, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã có thể tiêu thụ được khoảng 3 tấn chanh nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tiêu thụ chanh chậm và ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến cước phí vận tải tăng nhiều lần so với trước, làm chi phí sản xuất đội lên cao.

Không chỉ các hợp tác xã ở miền Nam, mà ngay tại Hà Nội nhiều hợp tác xã cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản.

[Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh]

Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, huyện Thanh Trì sản xuất 26.000m2 rau thủy canh nhưng do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên đầu ra bị thu hẹp, diện tích trồng rau hiện chỉ còn 20%.

Theo ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có nhiều hợp tác xã đang gặp khó khăn vì nằm trong vùng dịch bị phong tỏa.

Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến thời điểm này mới chỉ có hơn 3.000 hợp tác xã sản xuất theo chuỗi và liên kết được với doanh nghiệp, phần lớn lượng thực phẩm mà hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất được thu mua thông qua thương lái.

Điều này đồng nghĩa khu vực kinh tế này vẫn chưa chủ động được đầu ra sản phẩm tới hệ thống phân phối, mà vẫn qua trung gian. Bởi vậy, khi các tỉnh áp dụng giãn cách, thương lái ngừng mua khiến hoạt động buôn bán các mặt hàng nông sản bị đình trệ và giảm mạnh.

Cùng nhau vượt bão

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã trong mùa dịch, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai chương trình số 503/Ctr-LMHTXVN ngày 4/8/2021 của Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về việc kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng; nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã cùng với Saigon Co.op bàn bạc và nhận thấy, mỗi tỉnh cần phải có một hợp tác xã thương mại đứng lên liên kết, thu mua nông sản cho các hợp tác xã, sau đó Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu Tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) sẽ thu mua trực tiếp của hợp tác xã này và giao cho Saigon Co.op.

Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, thông qua Chương trình kết nối cung cầu này, đến ngày 8/9 có 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã đưa tổng số 143 sản phẩm của 53 hợp tác xã lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung-cầu sản phẩm.

Mở lối ra cho nông sản của hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 2Tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. (Ảnh: TTXVN)

Hòa Bình có 11 hợp tác xã với 11 sản phẩm, Phú Thọ có 9 hợp tác xã với 5 sản phẩm, Lai Châu có 8 hợp tác xã với 14 sản phẩm, Lào Cai có 88 sản phẩm của 20 hợp tác xã, Yên Bái có 21 sản phẩm của 10 hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, trước tình thế cấp bách và thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngoài hỗ trợ kết nối cung-cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến, các siêu thị, chợ đầu mối, bán hàng online, hiện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tích cực hỗ trợ các hợp tác xã bán hàng theo hình thức combo nông sản. Bởi nếu không tiêu thụ kịp thời thì sẽ rơi vào cảnh dồn ứ, thậm chí là phải đổ bỏ.

Ông Đỗ Phước Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai cho hay các hợp tác xã ở Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh tham gia tiêu thụ đóng túi theo các combo khác nhau theo nhu cầu khách hàng hoặc dựa trên gợi ý của hợp tác xã. Do đó, đây là một trong những hình thức tiêu thụ nông sản trong mùa dịch cho các hợp tác xã thông qua việc cung cấp hàng nghìn combo mỗi ngày.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, việc kết nối cung cầu, liên thông hàng hóa là điều vô cùng quan trọng cho các hợp tác xã trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Do đó, Saigon Co.op đã chủ động liên lạc với các nguồn về logistics, doanh nghiệp giao hàng cũng như các trung tâm trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để thu mua nông sản cho các hợp tác xã đang vào vụ thu hoạch.

Đặc biệt, Saigon Co.op đang kết hợp với các bên liên quan xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định việc đẩy mạnh kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa sẽ giúp giảm áp lực cũng như khó khăn cho các hợp tác xã và cũng là chủ trương lớn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhằm cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, bên cạnh việc chung tay vượt bão dịch của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sự chủ động của các hợp tác xã là nền tảng tạo đầu ra nông sản trong mùa dịch từng bước được mở rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.