Mở rộng không gian kết nối cho doanh nghiệp khu vực Á-Âu

Các đại biểu nhận định, Diễn đàn AEEBF1 sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước tham dự, góp phần làm nên thành công chung của Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 13.
Mở rộng không gian kết nối cho doanh nghiệp khu vực Á-Âu ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. (Ảnh: Uyên Hương/TTXVN)

Sáng 24/11, Diễn đàn Kinh tế và Doanh nghiệp Á-Âu (AEEBF1) lần thứ nhất đã chính thức tổ chức với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bằng hình thức trực tuyến tại trụ sở Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Vương Quốc Campuchia; Thủ tướng Hungary và Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Quốc Campuchia, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Viện sở hữu Công nghiệp Liên bang Nga, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) cùng  nhiều chuyên gia kinh tế, học giả có uy tín trên thế giới và gần 500 Tập đoàn, doanh nghiệp tới từ 53 nước trên thế giới.

AEEBF1 là sáng kiến của nước chủ nhà Campuchia khi nâng cấp Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu trước đây thành Diễn đàn Kinh tế và Doanh nghiệp Á-Âu bao gồm cả chủ đề về kinh tế và chủ thể doanh nghiệp.

Diễn đàn AEEBF1 do Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự hỗ trợ của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Quỹ Á-Âu (ASEF) và các đối tác khác.

AEEBF1 là một trong những sự kiện bên lề chính của Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13). Hội nghị sẽ được tổ chức tại Campuchia trong 2 ngày 25 và 26/11/2021.

ASEM 13 với chủ đề “Chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới: Tận dụng Chuỗi giá trị toàn cầu, Chủ nghĩa đa phương và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR),” nhằm tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các học giả, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế cùng thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR). Không chỉ vậy, ASEM 13 còn tạo không gian kết nối giữa các doanh nghiệp khu vực châu Á và châu Âu.

[ASEM 13: Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung]

Trong khuôn khổ Diễn đàn AEEBF1, đại biểu các quốc gia đã tập trung thảo luận về sự tiến bộ của quá trình số hóa thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu và các hệ quả; tác động của đại dịch COVID-19 đối với thương mại, đầu tư và kinh tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch; vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương và các hiệp định thương mại tự do trong 4IR và bình thường mới.

Ngoài ra, đại diện các nước cũng trao đổi về các cơ hội tăng trưởng mới cho các ngành thương mại và doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp và MSME, dựa trên công nghệ mới và số hóa trong 4IR, với các điều chỉnh và cải cách đang diễn ra của Chính phủ, bao gồm việc cung cấp chính sách và hỗ trợ tài chính và đầu tư vào phát triển vốn con người để tăng trưởng bao trùm.

Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và kinh doanh xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, từ đó xây dựng khả năng chống chịu với khủng hoảng và đảm bảo tính bền vững và phát triển kinh tế-xã hội.

Là một thành viên có trách nhiệm, luôn tích cực tham dự các hoạt động trong khuôn khổ các kỳ Hội nghị Cấp cao Á-Âu, vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam và một số Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đã đại diện cho phía Việt Nam tham dự Diễn đàn AEEBF1 lần này bằng hình thức trực tuyến.

Các đại biểu nhận định, Diễn đàn AEEBF1 sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước tham dự, góp phần làm nên thành công chung của Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 13./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.