"Ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ rồi bán cho người dân ăn, trong đó có cả trẻ em, đây là tội ác không thể chấp nhận? Thử hỏi, khi những đứa trẻ sinh ra ăn phải quả chuối hay miếng thịt nhiễm chất cấm sẽ ra sao? Không thể để một người hạ độc nhiều người như thế được. Việc này phải làm nghiêm, phải truy đến cùng."
Trên đây chỉ là một trong nhiều quan ngại về tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi vừa được Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu ra đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5/11, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản, trong Chín tháng đầu năm, chỉ số an toàn thực phẩm chưa có cải thiện so với năm 2014. Thậm chí, một số mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao, trong đó có 10,3% mẫu rau có dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Samonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Nhức nhối chất cấm
Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, thời gian qua, những vụ việc vi phạm nghiêm trọng liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Hệ quả là người dân luôn đối diện với nỗi ám ảnh thực phẩm mất an toàn.
Theo ông Tiệp, một trong những hạn chế dẫn tới việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo là do tổ chức truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục đối với các trường hợp mẫu vi phạm khi thực hiện kế hoạch giám sát chưa được các cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về chỉ tiêu, mức giới hạn chỉ tiêu an toàn thực phẩm chưa đầy đủ với các loại sản phẩm (như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tương ứng trong sản phẩm; dư lượng một số thuốc thú y trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật), dẫn tới khó khăn khi xác định mẫu vi phạm trong quá trình triển khai kế hoạch giám sát.
Số liệu thống kê từ các địa phương cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay có 48/63 tỉnh đã triển khai kiểm tra, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông lâm thủy sản. Trong đó cơ cở xếp loại C (cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm) chiếm hơn 20%, tuy nhiên khi tái kiểm tra thì có đến 88% cơ sở xếp loại C, không có chuyển biến tích cực.
Từ góc độ địa phương, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, hiện nay cái khó là khi triển khai kiểm tra, lấy mẫu nước tiểu tại các cơ sở giết mổ đưa đi phân tích, đến lúc có kết quả thì việc truy xuất nguồn gốc lại rất khó khăn, vì số lượng gia xúc nhiễm chất cấm đã khác với thời điểm kiểm tra.
“Ngoài ra, việc xác định ngưỡng chất cấm khi phân tích mẫu nước tiểu gia xúc cũng chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc xử lý, nhất là xử lý pháp nhân đối với các trường hợp vi phạm. Vì vậy, theo tôi, khi phát hiện chất cấm thì phải xử lý hình sự ngay, chứ chờ đến khi người ta chết mới truy xuất việc họ có ăn phải chất cấm không thì sẽ không bao giờ hiệu quả,” bà Khanh nói.
4 nguồn vi phạm
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cũng khẳng định, tình trạng vi phạm gây mất an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản hiện nay đang diễn ra phổ biến. Trong đó có 4 nguồn vi phạm chính là nhập khẩu trái phép, sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, và sử dụng phụ gia cấm trong chế biến thực phẩm.
“Hậu quả của việc gây mất an toàn thực phẩm là phát sinh các căn bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư. Theo số liệu nghiên cứu chưa đầy đủ của các nhà khoa học, năm 2014, số người mắc bệnh ung thư đã lên tới 82.000 người, trong đó mắc bệnh do môi trường và an toàn thực phẩm chiếm từ 75-90%,” đại diện Cục Cảnh sát Môi trường cảnh báo.
Trước thực tế trên, đại diện Cục Cảnh sát Môi trường cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục Cảnh sát Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành liên quan sẽ tiếp tục rà soát, đấu tranh, triệt phá các vụ việc vi phạm đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm./.