Mối lo ngại về Omicron dịu bớt, giá dầu châu Á nối dài đà tăng

Vào lúc 8 giờ sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,7%) lên 75,68 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 69 xu Mỹ (1%) lên 72,36 USD/thùng.
Mối lo ngại về Omicron dịu bớt, giá dầu châu Á nối dài đà tăng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch sáng 13/12, giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng từ tuần trước, trước những hy vọng sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ chỉ có tác động hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.

Vào lúc 8 giờ sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,7%) lên 75,68 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 69 xu Mỹ (1%) lên 72,36 USD/thùng, sau khi cả hai loại dầu này đều tăng 1% trong phiên 10/12.

Tuần trước, hai mặt hàng dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 8%, ghi dấu tuần tăng đầu tiên trong bảy tuần. Giá “vàng đen” đã lấy lại hơn một nửa mức giảm kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện vào ngày 25/11.

Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities Co Ltd. (Nhật Bản), nhận định tâm lý thị trường đã cải thiện khi mối lo ngại về biến thể Omicron dịu bớt. Theo chuyên gia này, giá dầu ngọt nhẹ New York có thể tăng lên 78 USD/thùng.

[Tâm lý lạc quan đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh nhất trong 15 tuần]

Theo các chuyên gia y tế Nam Phi, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta. Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi của Nam Phi, ông Willem Hanekom, cho biết 3 nhóm dịch tễ học ở Nam Phi đã tiến hành theo dõi tác động của biến thể mới.

Họ so sánh hai tuần đầu của làn sóng hiện nay với hai tuần đầu của các làn sóng lây nhiễm trước liên quan đến biến thể Beta và Delta. Và họ thấy rằng "bệnh nhẹ hơn ở giai đoạn này."

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước động thái các nước tiêu thụ dầu phối hợp mở kho dự trữ dầu thô. Bộ Năng lượng Mỹ ngày 10/12 cho biết họ sẽ bán 18 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) vào ngày 17/12, như một phần trong nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.