Mỗi năm, VN thải ra 90.000 tấn rác điện tử

Mỗi năm, Việt Nam thải ra 90.000 tấn rác điện tử

Trung bình mỗi năm, một người Việt thải 1 kilôgam rác điện tử. Nếu nhân với 90 triệu dân thì lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra 90.000 tấn rác điện tử ảnh 1Trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1 kilôgam rác thải  điện tử - ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo nhận định của Trung tâm Phát triển và Hội nhập, trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1 kilôgam rác thải điện tử. Nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.

Rác thải điện tử là loại rác thải cực độc hại, có nguy cơ "hủy diệt" môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh...

Tuy vậy, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.

Xuất phát từ thực trạng trên, Trung tâm Phát triển và Hội nhập đã đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ tiến hành hoạt động nghiên cứu "Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện lao động đến người lao động trong nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam."

Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã kết luận điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử ở nước ta đang ở mức độc hại và nguy hiểm. Nhất là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, kiểm tra chức năng có thể ở mức đặc biệt nặng nhọc và độc hại, với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa…

Đứng trước mối lo ngại trên và để phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 50 về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ như: Ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp...

Quyết định này cũng đã gắn trách nhiện của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường.

Theo đó, việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Dự kiến, từ ngày 1/1/2016, các sản phẩm cũ như máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.

Việt Nam hiện có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Trong khi đó, việc các sản phẩm điện tử hư hỏng, hay lỗi thời bị thải bỏ đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần các loại rác thải khác.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục