Mỗi ngày có từ 350-400 xe hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai những ngày qua khá ổn định, trung bình mỗi ngày có từ 350-400 xe hàng xuất nhập khẩu được làm thủ tục qua biên giới.
Mỗi ngày có từ 350-400 xe hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai ảnh 1Xe chở quả tươi tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sáng 14/9, ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, thông tin hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai những ngày qua khá ổn định, trung bình mỗi ngày có từ 350-400 xe hàng xuất nhập khẩu được làm thủ tục qua biên giới.

Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam)-Bắc Sơn (Trung Quốc), hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản diễn ra bình thường. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống như gỗ ván bóc, sắn khô, trái cây tươi như thanh long, chôm chôm, chuối tươi và sầu riêng. Hàng nhập khẩu chủ yếu là than cốc, phân bón, rau củ quả, cây cảnh, hóa chất, thiết bị.

Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn duy trì với 4-6 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày. Hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh quá cảnh và phân bón nhập khẩu.

Để tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua, tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã tiếp tục cải cách hành chính, điều chỉnh các loại phí hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế.

Đặc biệt, ngày 21/8 vừa qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai đã chính thức triển khai ứng dụng số tại Cửa khẩu Đường bộ Quốc tế số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này.

Việc đưa ứng dụng số vào hoạt động đã góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

[Lào Cai: Khôi phục toàn diện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu]

Việc ứng dụng các công nghệ mới còn tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng quản lý Nhà nước trong công tác quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đồng thời giúp doanh nghiệp làm thủ tục, tra cứu, theo dõi từ xa, nắm bắt được thủ tục hành chính của doanh nghiệp đang ở công đoạn nào, vướng mắc ở đâu.

Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, cho biết thêm từ đầu năm 2023 đến nay tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tương đối ổn định. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 750 triệu USD, trong đó xuất khẩu tăng đột biến trên 200% còn mặt hàng nhập khẩu giảm 57%.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tập trung vào các mặt hàng nông sản, đảm bảo nhanh nhất, tránh ùn tắc.

Ngoài ra, Hải quan Lào Cai cũng đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khai báo, kết nối các thông tin từ dữ liệu hải quan điện tử với cửa khẩu số để đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh nhất. Để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Lào Cai cũng đang tiếp tục hoàn thiện cửa khẩu số kết nối dữ liệu tới các nền tảng và các phần mềm chuyên dùng của các ngành để chia sẻ thông tin.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai trong 8 tháng năm của năm nay đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm 9,78% so với cùng kỳ trước và bằng 26,06% kế hoạch năm.

Trong số đó, giá trị xuất khẩu đạt trên 575 triệu USD, giảm 9,81% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 26,77% kế hoạch năm. Giá trị nhập khẩu đạt trên 331 triệu USD, giảm 14,08% so với cùng kỳ năm trước đó và bằng 38,09% kế hoạch năm. Các loại hình khác đạt 396,18 triệu USD, giảm 5,78% và bằng 20,01% kế hoạch năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.