Trong lớp sương mù, hơi nước dày đặc, thấp thoáng những bóng người đang đào bới đất, đá trên vách núi. Dưới thung lũng, nơi con suối đục ngầu cuộn chảy, từng tốp phụ nữ từ 3 đến 5 người hì hụi, mò mẫm đào bới, rửa đá; tốp khác thì lầm lũi gùi, cõng đá đi về phía con đường mòn như sợi chỉ vắt vẻo sau núi. Nhiều đứa trẻ cũng tay búa, tay đục, lưng cõng bao tải tham gia tìm kiếm và đưa những viên đá ra khỏi thung sâu.
Tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe máy leo dốc, tiếng búa sắt va đập vào đá liên hồi tạo nên sự hỗn tạp, náo loạn cả một vùng. Đó là thực trạng khai thác vàng "chui" ở bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Thâm nhập mỏ vàng bản Háng Trợ
Nằm cách trung tâm xã Phì Nhừ khoảng 9km nhưng để đến được mỏ vàng trên đỉnh núi không tên của bản Háng Trợ, chúng tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, đi bộ hơn 3km đường núi cao ngất với những đoạn dốc thẳng đứng, trơn trượt.
"Chạm” đến cửa ngõ của mỏ vàng, đập vào mắt chúng tôi là những lán trại phủ kín bạt, nilông nằm rải rác dưới bãi hoặc vắt vẻo ở độ cao khác nhau trên lưng núi. Mỏ vàng bản Háng Trợ là một thung lũng mênh mông với bốn bề trùng điệp những vách núi sừng sững, dựng đứng. Nơi đây có những hố rộng hình vuông, sâu hàng chục mét - những điểm trước đây các “phu vàng” đào bới đất, đá; những cửa hầm hàm ếch sâu hoắm trên vách núi... Những người khai thác vàng "chui" nơi này không hề có thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình đào bới tìm kiếm, vận chuyển đá ra khỏi mỏ vàng.
Rời vị trí "yết hầu" của thung lũng, chúng tôi đi sâu xuống vùng lõi mỏ vàng - nơi có những người đang đào bới đá để tìm kiếm vận đổi đời. Con đường dẫn xuống bãi vàng chênh vênh, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi đất đá cao lừng lững.
Trước mặt chúng tôi là lớp lớp sương mù như muốn che kín lối đi. Dò dẫm từng bước, cố bám lấy mặt đường trơn trượt để xuống bãi vàng, chúng tôi thấp thỏm lo sợ bởi ý nghĩ hàng ngàn khối đất đá trên đầu có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào khi mưa mỗi lúc một nặng hạt.
Vượt qua những vùng “yên ngựa” của núi, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe máy dã chiến của “phu vàng” dựng bên vệ đường, bên cạnh là những bao tải nhỏ đựng toàn đá với kích thước khác nhau. Sau quá trình vật lộn với gần 1km đường đất dốc, nhão nhoét, chúng tôi cũng đã “hạ sơn," lọt vào vùng mỏ vàng Háng Trợ. Khu vực chúng tôi đặt chân là phía hạ lưu con suối chảy dọc chiều dài thung lũng.
Tại đây, chúng tôi bắt gặp những tốp “phu vàng” đang leo trèo trên vách núi, dùng cuốc, xẻng, búa đào đất đá. Có tốp đang cặm cụi sắp xếp đá vào gùi... Hàng chục phút sau, khi thấy chúng tôi là người lạ, những tốp người này thu gom đồ, xếp đá vào gùi rồi xuôi theo lòng suối, mất hút cuối hạ nguồn.
Ngước nhìn lên phía thượng nguồn dòng suối, chúng tôi bắt gặp những trai tráng đang đào đất đá trên vách núi cao. Đầu giờ chiều, khi màn mưa tạm ngớt, chúng tôi quyết định leo ngược dốc núi để vào sâu trung tâm bãi khai thác vàng.
Lọt thỏm vào “thủ phủ” mỏ vàng bản Háng Trợ, nhìn về phía chân núi, chúng tôi bắt gặp những cửa hầm lò tối thui, chỉ rộng đủ một lối đi, cao khoảng gần 2m. Những hố tử thần sâu hàng chục mét cũng hiện hữu nơi đây. Dù trời đang mưa nặng hạt nhưng vẫn có nhiều người mò mẫm tìm quặng vàng. Xung quanh khu vực là những lán trại phủ bạt nilông, mái tôn, có lán được bao bọc bởi hệ thống rào thép B40. Tại các lán, trại đều có máy nổ, thùng phuy đựng nhiên liệu, nước sinh hoạt, lương thực, những đống củi cao quá đầu người... Những đàn gia cầm hàng chục con cũng được “chủ mỏ” nuôi quanh lán trại, minh chứng cho việc lưu trú nơi đây của chủ mỏ là có chủ định và lâu dài.
Chúng tôi lặng lẽ đi qua một lán trại, trong đó có nhiều người đang ăn cơm, rồi tiếp cận một cửa hầm cao gần 2m, rộng đúng chừng một lối đi, theo miệng hang, hơi nước từ lòng núi tỏa ra lạnh toát. Ngoài cửa hầm là hệ thống khung tre nứa đang dựng dở, chưa kịp phủ nilông, bạt. Hệ thống máy nổ cũng được huy động tập kết gần cửa hầm để phục vụ công tác “rút” lõi lòng núi, thắp điện chiếu sáng.
Dự cảm thấy những điều bất an nên chúng tôi mau chóng thu gọn hệ thống máy móc tác nghiệp và rời cửa hầm này. Trên đường rời khỏi miệng hầm, chúng tôi chạm trán với hai người đàn ông (một già, một trẻ) ngay trước lán trại. Sau những cái nhìn, ánh mắt nghi ngờ và những câu dò xét của chủ mỏ, chúng tôi được vào lán trại. Trong lán, hai người đàn ông đang cởi trần, say ngủ trên những tấm ván kê chắc chắn trong lán.
Qua câu chuyện với hai người đàn ông, chúng tôi được biết những năm trước đây, Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Điện Biên được phép khai thác tại mỏ vàng này với rất nhiều vỉa. Nhưng khi công ty này không khai thác ở đây nữa thì tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tìm về đây để khai thác “chui” khoáng sản, tìm kiếm vận may ngày càng nhiều. Nếu có mưa thì lượng người ở các bản tìm về đây nhiều hơn vì khi đó đất đá dễ đào bới, con suối lại thêm nước, tiện lợi cho việc rửa đá, đãi sa khoáng. Tuy nhiên, thời tiết mưa cũng rất dễ xảy ra sạt lở đất núi, tiềm ẩn những nguy cơ chết người.
Khi rời khỏi lán, rời khỏi lòng thung lũng hiểm nguy này, trên lối mòn cắt lưng chừng núi đi lên cửa ngõ bãi vàng, chúng tôi bắt gặp hệ thống ống cung cấp nước sạch cho các lán trại cùng nhiều dụng cụ đãi vàng bên lối đi.
Tiềm ẩn hiểm họa chết người
Ông Lầu Bua Sá (57 tuổi, bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), người có thâm niên chăn gia súc hàng chục năm trên con đường lên mỏ vàng Háng Trợ, cho biết năm 2016, Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Điện Biên đã rút khỏi đây. Hiện tại trong mỏ vàng chỉ còn lại dân các bản Cồ Dề, Háng Trợ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) và dân một số xã Háng Lìa, Phình Giàng, Keo Lôm (của hai huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo) khai thác. Sau khi công ty dỡ nhà cửa, còn lại một số lán trại. Người dân tự ý mua lại và đưa máy móc vào hầm cũ trước đây, thuê người đào bới, tìm kiếm vàng.
Cũng theo ông Sá, người lao động ở đây già trẻ, trai gái đều có, nhưng họ hoàn toàn không có trang bị bảo hộ lao động trong quá trình đi đào đá, tìm sa khoáng. Vật dụng mỗi người mang theo chỉ là cuốc, xẻng, búa hai đầu và họ lao động tự nhiên như việc đi lên núi làm nương rẫy.
Ký ức của ông Sá cũng cho chúng tôi biết thêm về cái giá quá đắt mà người dân nơi đây phải trả khi liều mình mò mẫm giữa bạt ngàn thung sâu để tìm kiếm, cầu may một sự đổi đời từ vàng. "Đã có 3 trường hợp chết do sự cố đất sụp đổ, đá sập lao xuống đè lên người, trong đó có một trường hợp ở bản Háng Lìa, một trường hợp ở bản Cồ Dề...," ông Sá nói.
Mỏ vàng bản Háng Trợ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) được phát hiện trước năm 2006, được đánh giá là có quy mô và trữ lượng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên lúc bấy giờ. Sau khi mỏ vàng phát lộ, người dân nhanh chóng truyền tai nhau và mỏ vàng trở thành tâm điểm của người dân trong xã Phì Nhừ và các xã lân cận tìm đến đào bới thủ công, khai thác khoáng sản theo kiểu “thổ phỉ."
Sau thời gian dẹp được tình trạng khai thác vàng "thổ phỉ," Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có Quyết định số 98/QĐ-UBND, ngày 23/1/2008, cho phép Công ty cổ phần công nghiệp Molybden Điện Biên khai thác mỏ vàng tại điểm mỏ bản Háng Trợ và Quyết định số 235/QĐ-UBND, ngày 11/3/2008, giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên Đông chịu trách nhiệm thu hồi 37 ha đất khu vực quy hoạch mỏ vàng, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân bị ảnh hưởng và tổ chức giải phóng mặt bằng, bồi thường cho dân.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng ra quyết định số 236 cho phép công ty trên thuê 37 ha đất mở đường giao thông, khai thác nguyên liệu, xây dựng cơ sở sản xuất chế biến vàng.
Theo Quyết định số 98/QĐ-UBND, công suất khai thác quặng vàng của Công ty Molybden tại mỏ vàng xã Phì Nhừ là 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm; sản phẩm sau chế biến thành vàng kim loại đạt 350 kg/năm, với hàm lượng vàng 99,9%.
Tuy nhiên, ngày 28/6/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành các Quyết định số 579/QĐ-UBND và Quyết định số 578/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden tại điểm mỏ này và thu hồi toàn bộ 370.000 m2 đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho công ty này thuê tại vị trí nêu trên, vì lý do công ty này đã giải thể.
Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden đã bỏ mỏ vàng, “cao chạy xa bay” từ cuối năm 2016. Từ đó đến nay, tại mỏ vàng Háng Trợ này tái diễn tình trạng khai thác vàng "thổ phỉ." Cả một vùng rộng hàng chục ha lại ngày đêm bị cày xới, rút lõi, dẫn đến thảm cảnh hoang tàn núi đồi, ô nhiễm nguồn nước... và đe dọa mạng sống của nhiều người./.