Một mùa Hè dự báo nhiều biến động trên thị trường "vàng đen"

Thị trường dầu thế giới sẽ trải qua một mùa Hè nhiều biến động, giữa bối cảnh nhu cầu tăng cao trở lại có thể đẩy giá dầu thô vọt lên ngưỡng 80 USD/thùng.
Một mùa Hè dự báo nhiều biến động trên thị trường "vàng đen" ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Trainer, Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của một số nhà quan sát, thị trường dầu thế giới sẽ trải qua một mùa Hè nhiều biến động, giữa bối cảnh nhu cầu tăng cao trở lại có thể đẩy giá dầu thô vọt lên ngưỡng 80 USD/thùng.

Sự ra đời của nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 và các chương trình tiêm chủng mở rộng đã tạo điều kiện để các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy giá dầu thô tăng đến 40% kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần tạo ra áp lực lên giá dầu, đó là sự gia tăng nhu cầu di chuyển và vận chuyển hàng hóa (qua đường bộ hoặc đường hàng không) ở Mỹ.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), giá xăng không chì được ghi nhận ở mức trung bình là 3,04 USD/gallon hôm 2/6, dù chỉ cao hơn khoảng 1 xu Mỹ so với tuần trước đó, song con số này lại cao hơn đến 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, cùng ngày, giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng tăng thêm 1,6%, lên 71,48 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020. Giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate giao tháng 7/2021 cũng tiến 1,6% lên mức 68,83 USD/thùng, sau khi chạm 69,65 USD - ngưỡng cao nhất kể từ ngày 23/10/2018.

Francisco Blanch, chiến lược gia về hàng hóa và phái sinh toàn cầu tại Bank of America, nhận định: "Nhu cầu đang tăng lên rất nhanh bởi tất cả mọi người đều đang hướng đến thị trường, trong khi các nền kinh tế châu Âu đang mở cửa trở lại. Điều này thực sự đang xảy ra."

Hai cản lực chính trong lĩnh vực năng lượng

Các nhà phân tích trong ngành năng lượng đồng ý rằng thế giới đang bước vào một thời kỳ giá cao hơn, nhưng cao như thế nào và kéo dài trong bao lâu thì chưa có dự báo thống nhất.

Bày tỏ quan điểm lạc quan về dài hạn, ông Francisco Blanch nói: "Chúng tôi nghĩ rằng trong ba năm tới, giá dầu có thể một lần nữa chạm ngưỡng 100 USD/thùng và chúng tôi tin vào điều đó. Đây sẽ là câu chuyện của năm 2022 hoặc 2023."

Chiến lược gia này cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang nắm giữ tất cả các "lá bài," trong khi những nhu cầu bị dồn nén đang dần bung tỏa và mặt bằng giá trên thị trường hiện chưa phản ánh được hết xu hướng tăng cao của các chỉ số lạm phát trong nền kinh tế.

[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng gần 5% trong tuần qua]

Các thành viên OPEC và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đang dần đưa dầu trở lại thị trường. Trước đó, họ đã đồng ý thực hiện kế hoạch tăng 350.000 thùng/ngày sản lượng dầu vào tháng Sáu và thêm 450.000 thùng/ngày nữa bắt đầu từ tháng Bảy, trước khi tiếp tục nâng thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng Bảy. Saudi Arabia cũng đồng ý trì hoãn kế hoạch cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày được đưa ra hồi đầu năm.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu thô của Mỹ hiện sản xuất khoảng 11 triệu thùng/ngày, giảm so với ngưỡng 13 triệu thùng trong giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói rằng không rõ liệu các công ty Mỹ sẽ mất bao lâu để khôi phục lại hoạt động sản xuất đó.

Chuyên gia Blanch nhận định: "Sự nhạy cảm của các nhà sản xuất đối với những biến động trong môi trường giá đã giảm xuống do tính kỷ luật về sử dụng vốn tăng cao." Từ năm ngoái khi giá dầu sụt giảm mạnh, các công ty đã nhận ra rằng cần phải thận trọng trong kế hoạch sử dụng vốn của mình.

Ông Blanch nói: "Thực trạng hiện nay là khi môi trường giá đang tăng lên, các công ty lại không muốn đầu tư. Thay vào đó, họ muốn trả bớt nợ và tăng cổ tức."

Ông Blanch cho biết các hội đồng quản trị công ty cũng chịu áp lực phải thoái vốn những tài sản/máy móc tạo ra nhiều khí thải carbon để hướng tới mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Đây là hai cản lực chính đối với lĩnh vực năng lượng tại thời điểm này.

Iran và Mỹ: Hai nhân tố bí ẩn

Hiện tại, sản lượng dầu đã gần như không thể đáp ứng nhu cầu khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Ngay cả sau khi OPEC+ cam kết đưa thêm dầu thô trở lại thị trường, giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng.

Phó Chủ tịch công ty phân tích và nghiên cứu IHS Markit Daniel Yergin cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang tăng nhanh chóng từ quý đầu tiên và sẽ kéo dài đến quý thứ ba năm nay." Phó Chủ tịch Yergin dự đoán giá dầu Brent sẽ được giao dịch ở mức trung bình 70 USD/thùng trong năm nay.

Theo chuyên gia này, giá dầu thậm chí có thể lên tới ngưỡng 80 USD/thùng, song ở điểm này một sự điều chỉnh sẽ xảy ra. Nhu cầu sẽ bị tác động và có thể sẽ tạo ra một phản ứng chính trị bởi đối với các đời Tổng thống Mỹ, việc giá xăng tăng cao luôn là một vấn đề. Điều này luôn đúng, ngay cả trong thời đại chuyển đổi năng lượng đang diễn ra.

Nhu cầu hiện đang tăng cao đến mức các nhà phân tích kỳ vọng vào kịch bản thị trường có thể hấp thụ thêm mức sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Iran nếu nước này đồng ý thực hiện các cam kết trước đây trong Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA) như mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có manh mối về thời điểm điều này sẽ xảy ra.

Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng RBC, viết: "Các thùng dầu Iran sẽ không sớm xuất hiện trở lại trên thị trường khi vòng đàm phán hạt nhân thứ 5 ở Vienna đã không tạo ra một bước đột phá ngoại giao lớn nào."

Chuyên gia này nói thêm rằng việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác minh các hoạt động của Iran dường như là chỉ dấu cho những vấn đề cần được giải quyết trước khi chính quyền ông Biden đưa ra bất cứ quyết định nới lỏng trừng phạt nào.

Bà Croft lưu ý: "Với việc mùa bầu cử tại Iran đang diễn ra sôi nổi, có vẻ như Iran sẽ là một trong những nội dung thảo luận của OPEC trong mùa Hè này," trong đó việc ai sẽ trở thành Bộ trưởng Năng lượng của quốc gia Tây Á là một yếu tố quan trọng.

Theo chuyên gia John Kilduff thuộc công ty tư vấn Again Capital, nhu cầu mạnh mẽ và dự báo giá tăng là hai yếu tố hỗ trợ giá dầu thô trong tuần này. Ông cho biết, OPEC dự đoán nhu cầu có thể đạt 99,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, nhưng nguồn cung dự kiến chỉ đạt 97,5 triệu thùng/ngày.

"Tôi đã nhìn thấy sự lạc quan trong thời gian qua," chuyên gia Kilduff nói. Ông kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức 80 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI sẽ giao dịch trong khoảng 75-80 USD/thùng.

Tuy nhiên, chuyên gia Kilduff cũng cho biết, triển vọng dài hạn của thị trường phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Nhà phân tích Eric Lee của tập đoàn Citigroup bày tỏ hy vọng các nhà khai thác của Mỹ sẽ đưa hoạt động sản xuất về mức như trước đây, dù ông nhận thấy có sự thay đổi trong thái độ của họ. Trong khi các công ty tư nhân phản ứng nhanh chóng, các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các công ty lớn lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều.

Dù vậy, OPEC+ hiện không nhận thấy mối đe dọa từ Mỹ bởi khối này còn có nhiều năng lực sản xuất dự phòng để kiềm chế môi trường giá cao hơn và bổ sung nguồn cung nếu cần.

Trước đây, môi trường giá cao sẽ khuyến khích ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ bơm nhiều dầu hơn, từ đó khiến giá giảm. Tuy nhiên, nhà phân tích Eric Lee nói hiện ông không nhận thấy sự hào hứng của các nhà sản xuất Mỹ và nhiều khả năng thị trường sẽ không thể chứng kiến sự quay trở lại mạnh mẽ của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.