Một năm thỏa thuận hạt nhân Iran: Thành công và thách thức

Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được với nhóm P5+1 đã trải qua chặng đường đầu tiên khá suôn sẻ, nhưng sự nghi ngại của các bên cùng những thách thức khác báo hiệu còn nhiều chông gai.
Một năm thỏa thuận hạt nhân Iran: Thành công và thách thức ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được với nhóm P5+1 đã trải qua chặng đường đầu tiên khá suôn sẻ, nhưng sự nghi ngại của các bên cùng những thách thức khác báo hiệu lộ trình này còn nhiều chông gai phía trước.

Tròn một năm trước, ngày 14/7/2015, sau gần hai năm đàm phán, Iran và sáu cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã ký thỏa thuận lịch sử, giúp chấm dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo thỏa thuận được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), có hiệu lực từ ngày 16/1 năm nay, Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các hoạt động hạt nhân.

Thành công bước đầu

Thỏa thuận hạt nhân Iran đang tiến triển với việc Iran thực hiện mọi cam kết theo thỏa thuận. Trong vòng 6 tháng, Iran đã giảm bớt các kho urani, nước nặng và vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân Arak. Về công tác thanh sát, Tehran đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận chưa từng có đối với các cơ sở hạt nhân bị tình nghi của nước này. Washington và Tehran đã thiết lập những kênh liên lạc trực tiếp, cho dù chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Đối với Iran, thành quả quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là thuyết phục quốc tế công nhận quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự của nước này, bao gồm làm giàu urani. Trong khi đó, nhóm P5+1 tin rằng họ đã ngăn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong dịp kỷ niệm một năm này, nhiều quan chức cấp cao Iran đã bình luận về thỏa thuận, xem đây như ví dụ hoàn hảo về việc đối thoại phát huy tác dụng. Cuối tháng Tư vừa qua, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ mua 32 tấn nước nặng của Iran theo các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi mới đây nhấn mạnh một trong những thành quả quan trọng nhất của JCPOA là Iran giờ đây được Mỹ công nhận là quốc gia bán nước nặng, trong khi trước đó Washington thậm chí không chấp nhận Iran sản xuất mặt hàng này.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã chứng minh khả năng chính trị trong việc đàm phán với các cường quốc để giải quyết một vấn đề quốc tế phức tạp và bảo vệ quyền lợi dân tộc Iran. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nước này luôn sẵn sàng nếu một ngày nào đó, nhóm P5+1 từ chối thực hiện cam kết, nhấn mạnh việc Iran đang ở cấp độ có thể đạt được những khả năng hạt nhân mong muốn trong một thời gian ngắn.

Phát biểu này của Tổng thống Rouhani được cho là ám chỉ tới những phát biểu của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump với tuyên bố sẽ "xé vụn" thỏa thuận hạt nhân nếu trúng cử.

Bản thân Israel, vốn là quốc gia phản đối quyết liệt thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng đánh giá rằng JCPOA đã thực sự giúp làm giảm mối đe dọa hạt nhân từ Iran. Tại hội nghị an ninh thường niên Herzliya mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon khẳng định rằng "vào thời điểm này và trong tương lai gần, Israel không đối mặt với bất kỳ mối đe dọa hiện hữu nào."

Trong khi đó, giới ngoại giao và phân tích phương Tây cũng nhận định mối quan hệ và tiếp xúc giữa các bên với Iran là đáng tin cậy, khẳng định thỏa thuận này là một thành công thực sự trong việc giảm mạnh khả năng hạt nhân của Iran, đem lại sự ổn định cho khu vực.

Thách thức tương lai

Bất chấp những thành quả bước đầu nói trên, thỏa thuận hạt nhân vẫn đang đối mặt với những thách thức và vấp phải những rào cản, xuất phát từ phía Mỹ và phương Tây nhằm gây sức ép với Iran.

Hơn 6 tháng sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân, kỳ vọng có hàng chục tỷ USD được đổ vào nền kinh tế Iran đã không diễn ra như mong đợi do đa số các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ chống Iran vẫn được duy trì. Mỹ và Iran còn có những bất đồng khác liên quan tới vấn đề nhân quyền, chương trình tên lửa đạn đạo và khủng bố.

Quốc hội Mỹ vừa ngăn cản hợp đồng trị giá 17,6 tỷ USD bán 80 máy bay chở khách của Tập đoàn Boeing cho hãng hàng không Iran, cũng như đe dọa một thỏa thuận khác của Tập đoàn Airbus với Iran.

Việc ngăn Tehran sử dụng đồng USD cùng với nhiều ngân hàng quốc tế lo ngại vi phạm các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ cũng cản trở các doanh nghiệp quốc tế làm ăn với đối tác Iran. Trong khi đó, Tehran có lý do để khiếu nại về tính hợp pháp trong các quyết định của Washington. Hiện giới chức hai bên cũng đang nỗ lực tiến hành các cuộc thảo luận để thúc đẩy việc nối lại mối quan hệ đối tác kinh tế và trấn an giới doanh nghiệp.

Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn gây nhiều tranh cãi tại Washington và Tehran, với việc Quốc hội Mỹ cố áp đặt những hạn chế mới. Tại Iran, những người theo đường lối cực đoan đã tiến hành các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo và các biện pháp cứng rắn khác. Trong khi đó, cuộc bầu cử vào cuối năm nay tại Mỹ cũng được cho là sẽ tác động tới việc triển khai thỏa thuận, bởi thành công tiếp theo của thỏa thuận sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của tổng thống mới của Mỹ, sẽ nhậm chức vào tháng 1/2017.

Theo giới phân tích, nếu giành chiến thắng, ông Donald Trump tuyên bố sẽ thương lượng lại, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ duy trì thỏa thuận này.

Iran cũng có thể thay đổi ban lãnh đạo, với việc Tổng thống ôn hòa Rouhani - người đã thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân - sẽ tái tranh cử vào năm tới. Kết quả bầu cử có thể phản ánh tác động từ những lợi ích kinh tế của thỏa thuận hạt nhân thông qua những lá phiếu của cử tri Iran. Nếu tình hình kinh tế Iran không có dấu hiệu khởi sắc, ông Rouhani sẽ khó tiếp tục tại vị.

Mặc dù thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc sau một năm ký kết vẫn chưa đem lại những lợi ích kinh tế như kỳ vọng, nhưng không thể phủ nhận thành công của tiến trình này trong việc làm giảm mối đe dọa xung đột quân sự và giúp gia tăng sự ổn định trong khu vực.

Đây mới là năm đầu tiên trong thỏa thuận kéo dài tám năm và chặng đường phía trước chắc chắn sẽ còn chứng kiến nhiều chông gai và thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.