Một số điểm sáng về tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng qua

Có thể kể đến một vài số liệu nổi bật của Việt Nam trong tháng Tám như cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Một số điểm sáng về tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng qua ảnh 1Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Tuyển Quặng Cam đường (Lào Cai) - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Apatit Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực trong tháng 8/2023 với nhiều chỉ tiêu kinh tế duy trì đà tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Để có được kết quả trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định. Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi do nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường tăng.

Tính đến ngày 15/8, cả nước thu hoạch được hơn 1 triệu ha lúa Hè Thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng gần 157.000 tấn so với vụ Hè Thu năm trước.

Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó số đàn lợn cuối tháng Tám tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 2,3%; bò tăng 0,5%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng Tám ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.

Sản xuất công nghiệp tháng Tám tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành trọng điểm tăng cao như sản xuất kim loại; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc lá.

Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 14,4% và luân chuyển tăng 28,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,1% và luân chuyển tăng 13,4%.

Một số điểm sáng về tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng qua ảnh 2Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu như điện thoại và linh kiện 28,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 6,9 tỷ USD; thủy sản 4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,3 tỷ USD; rau quả 2,2 tỷ USD.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần.

[ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nửa cuối năm 2023]

Nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8 đã khởi sắc hơn tháng trước, có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký 79.900 lao động, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,6% về vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với tháng 7/2023.

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18%; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%; đến nay bình quân 8 tháng tăng 3,1%.

Một số điểm sáng về tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng qua ảnh 3Hiện trường một vụ tai nạn ở Phú Yên. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Trong 8 tháng vừa qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. Chính phủ đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công từ 1,624 triệu đồng/tháng lên 2,055 triệu đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 26,54%.

Số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng năm nay giảm 5,1% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 0,8%; số vụ va chạm giao thông giảm 15%); số người chết giảm 3,6%; số người bị thương nhẹ giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.