Một số làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng của Việt Nam

Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh, và những làng nghề làm hương truyền thống đang góp phần gìn giữ nét đẹp đó.
Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề làm hương nổi tiếng nhất Hà Nội, cũng là nơi lưu giữ nghề làm hương tồn tại hơn một thế kỷ qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh, và những làng nghề làm hương truyền thống đang góp phần gìn giữ nét đẹp đó.

Làng Quảng Phú Cầu (Hà Nội)

Làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong những làng hương nổi tiếng nhất của Việt Nam. Sản phẩm của mỗi làng hương đều có mùi đặc trưng riêng của từng vùng miền. Nhiều gia đình tại làng Quảng Phú Cầu đã gìn giữ nghề làm hương trong hơn một thế kỷ, họ coi đây là một công việc vô cùng đáng tự hào.

Trước đây, nghề sản xuất hương ở đây được coi như một nghề phụ của những người nông dân trong những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, hiện nghề làm hương đã trở thành nghề chính và đem lại công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng.

Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, người dân làng Quảng Phú Cầu đều làm việc hết công suất để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trên toàn quốc.

Làng hương xạ Cao Thôn (Hưng Yên)

Làng hương xạ Cao Thôn (xã Bảo Khê, Hưng Yên) nằm ngay sát đê tả sông Hồng. Với lịch sử làm hương hơn 200 năm, nơi đây được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống ở Việt Nam.

Những hộ làm hương thủ công ở Cao Thôn bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bởi đa số đều đã chuyển sang sử dụng máy móc để nâng cao năng suất và giảm bớt sức lao động. Tuy vậy nhưng chất lượng hương thì vẫn không đổi, vẫn theo quy trình và bí quyết từ bao đời qua để lại.

Hương ở Cao Thôn được phơi trên phên tre, để khô tự nhiên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bột hương của làng Cao Thôn là tập hợp của nhiều loại thảo mộc và các vị thuốc Bắc: tùng bạch chỉ, trắc bách diệp, trầm, hồi, quế, cam thảo…

Hương xạ Hoàng Xá (Hải Dương)

Hoàng Xá (xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) từ lâu đã nổi danh khắp vùng bởi đây là làng nghề làm hương truyền thống, cha truyền con nối.

Dù bề dày lịch sử khó có thể sánh với hương Cao Thôn, nhưng hương xạ Hoàng Xá vẫn có vị thế riêng.

Nguyên liệu chính để làm nên chất lượng của hương xạ Hoàng Xá chính là sự pha trộn của các vị thuốc bắc như đinh hương, đại hoàng, tiểu hồi, sâm, xuyên khung, gỗ trầm…Bởi sự cầu kỳ trong chọn nguyên liệu mà hương Hoàng Xá khi thắp lên đều tỏa ra mùi hương thơm nhè nhẹ của thảo dược.

(Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt hơn, nếu các làng hương khác áp dụng công nghệ lò sấy thì hương xạ Hoàng Xá vẫn kiên trì phơi hương dưới ánh nắng mặt trời theo phương pháp thủ công, để hương được thơm tự nhiên.

Làng hương trầm Phia Thắp (Cao Bằng)

Phia Thắp là một làng hương cổ xưa, nằm trong vùng núi đá vôi của xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Đây được xem là một trong năm làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là làng nghề truyền thống (có lịch sử trên 100 năm), nơi đây vẫn giữ được nét đẹp văn hóa, truyền thống của người dân tộc Nùng An.

Làng hương Phia Thắp nổi tiếng với việc sản xuất những loại hương thơm truyền thống của bà con dân tộc Nùng An. Các loại hương được sản xuất từ những loại thảo mộc tự nhiên như cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Tất cả đều được lựa chọn kỹ càng và thực hiện tất cả các công đoạn bằng tay.

Đặc biệt, hương truyền thống được sản xuất ở Phia Thắp không chứa các hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nên được đông đảo bà con cũng như khách du lịch yêu thích.

Làng hương trầm Quỳ Châu (Nghệ An)

Làng nghề làm hương truyền thống Quỳ Châu (Nghệ An), nơi nổi tiếng với sản phẩm hương trầm.

Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ gần 40 năm. Đến nay có khoảng 200 hộ gia đình trong làng theo nghề truyền thống cha ông để lại.

[Lưu giữ nghề làm hương của người Mông ở tỉnh Lai Châu]

Để làm ra được thứ hương trầm đặc trưng Quỳ Châu phải rất tỉ mỉ trong mọi công đoạn, từ chọn nguyên liệu để làm bột hương, chân hương, tới quấn hương rồi phơi hương.

Ở Quỳ Châu, người ta xe hương bằng giấy bản nhiều kích cỡ (trong đó loại đặc biệt dài 1m, còn loại thông thường là 50cm). Nhưng dù được quấn theo kích cỡ nào thì hương trầm Quỳ Châu đều có chung một đặc điểm: cháy đượm, thơm dịu, khói mỏng và tàn hương cong tròn tuyệt đẹp.

Làng hương Báo Ân (Hà Tĩnh)

Trong những làng nghề làm hương ở Việt Nam, làng hương Báo Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) không phải là cái tên có lịch sử lâu đời, nhưng chất lượng thì không hề thua kém bất kỳ làng nghề danh tiếng nào có lẽ cũng bởi thứ nguyên liệu là những loại thảo mộc tự nhiên, được phối chế theo một tỉ lệ thích hợp để tạo nên hương thơm đặc trưng khi thắp.

Cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, ở Thạch Mỹ, mọi người trong làng đều có thể tham gia vào quá trình làm hương, từ trẻ nhỏ đến người già, từ người thợ lành nghề đến những người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi người đều có thể đóng góp một khâu trong quá trình làm hương.

(Ảnh: Vietnam+)

Làng hương Thủy Xuân (Thừa Thiên-Huế)

Cách thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam là làng hương lớn nhất xứ Huế - làng hương Thủy Xuân, nổi tiếng với nghề làm hương trầm hàng trăm năm nay.

Đến với làng hương, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những bó hoa hương đang bung xòe với nhiều màu sắc rực rỡ và mùi hương trầm thơm ngát tỏa khắp không gian.

Người dân Thủy Xuân đã phát triển làng nghề truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, cả dãy phố Huyền Trân Công Chúa tràn ngập sắc màu rực rỡ của hương.

Những bó hương của làng hương Thủy Xuân Huế được sắp xếp ngay ngắn bung xòe khoe sắc đã trở thành một trong những địa điểm tham quan, chụp hình hấp dẫn.

Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là hương trầm.

Làng hương Thủy Xuân. (Ảnh: Vietnam+)

Làng hương Quán Hương (Quảng Nam)

Nằm ven Quốc lộ 1A, làng Quán Hương hàng trăm năm qua đã nổi tiếng với nghề làm hương thủ công truyền thống.

Để cho ra một sản phẩm tốt, người thợ thường rất chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên vật liệu gồm quế ở Trà My nhưng phải dùng bột của vỏ cây quế để hương thơm hơn; các hương vị như quỳnh đàm, tùng, trám, mai… phải được mua ở các tỉnh phía Bắc. Chu hương được mua ở Hà Nội thường được làm từ ruột tre Là Ngà chẻ nhỏ, nhưng phải phơi thật khô để khi đốt cây hương sẽ cháy đều, không bị tắt giữa chừng.

Với tâm niệm, làm hương không chỉ mang lại nguồn thu mà còn mang giá trị truyền thống, tâm linh tốt đẹp, vì vậy bà con rất cẩn thận trong từng công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, làm hương cho đến đóng gói thành phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục