Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại nặng về tài sản tại Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang đã thành lập đoàn công tác khảo sát tình hình thiệt hại ở các địa phương để có giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại nặng về tài sản tại Kiên Giang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong 10 ngày qua (11-21/10/2020), địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, kèm theo dông, lốc, sóng to, gió lớn kết hợp triều cường dâng cao gây thiệt hại nặng tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cụ thể, huyện U Minh Thượng có 1 ngôi nhà bị sập, 1.987 nhà bị ngập nước. Huyện Vĩnh Thuận có 2 ngôi nhà đổ sập và tốc mái, 1.028 nhà ngập nước.

Huyện An Biên có 3 nhà bị sập, 4.344 nhà ngập nước. Huyện Gò Quao có 1 nhà đổ sập, 951 nhà bị ngập nước. Ngoài ra, 115 điểm trường học ở các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giồng Riềng bị ngập nước. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, sóng to, gió lớn đánh chìm 3 phương tiện khai thác thủy sản của ngư dân ở hai huyện Kiên Lương, Kiên Hải. Thiên tai làm ngập nước, sạt lở, hư hỏng hơn 92km đường giao thông nông thôn ở hai huyện U Minh Thượng và Gò Quao.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, thống kê ban đầu của các địa phương, thiên tai còn gây thiệt hại khoảng 16.837ha lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, Gò Quao và Kiên Lương.

[Vận hành xả cống kiểm soát lũ sông Cửu Long và Tứ Giác Long Xuyên]

Hơn 2.818ha nuôi trồng thủy sản ở các huyện U Minh Thượng, An Minh và Gò Quao bị ngập bờ bao, tôm, cua, cá thất thoát ra ngoài sông rạch, gây thiệt hại nặng cho người nuôi.

Ông Lê Văn Có, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho biết: “Ngoài thiệt hại nặng nề do bị úng ngập, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch lúa, tỷ lệ thất thoát lớn, lúa giảm chất lượng, thương lái không mua hoặc thu mua với giá rất thấp. Thay vì thu hoạch lúa bằng máy gặt đập, hiện nay nông dân phải gặt lúa thủ công. Dù giá thuê đã lên gần 1,5 triệu đồng/công (1.000 m²) nhưng nhiều nông dân cũng không thuê được người gặt phải để lúa ngâm dưới nước.”

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các huyện bị thiệt hại do thiên tai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với mưa lớn kéo dài, dông lốc, triều cường dâng, chống ngập úng, nhất là diện tích lúa Đông Xuân 2020-2021 mới gieo sạ ở vùng sản xuất U Minh Thượng.

Các địa phương tổ chức đội tình nguyện giúp dân thu hoạch nhanh lúa Hè Thu bị ngập nước, sửa chữa lại nhà ở, kê kích đồ đạc, vật dụng trong nhà bị ngập, trông giữ trẻ em không để xảy ra đuối nước, gia cố, bồi trúc những đoạn đường bị sạt lở, hư hỏng, di dời hộ dân đến nơi an toàn.

Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến mưa lũ, triều cường để kịp thời ứng phó. Đơn vị chức năng triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp tuyên truyền người dân chủ động phòng tránh thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra; hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, hồi phục lúa, rau màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng để giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, tỉnh thành lập đoàn công tác khảo sát tình hình thiệt hại ở các địa phương để có giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục