Sau gần ba ngày nước lũ “đổ bộ,” mọi tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh đều chìm trong biển nước. Điện, nước không có; giao thông, liên lạc bị chia cắt; lương thực, thực phẩm thiếu, người dân thành phố Hà Tĩnh đang nỗ lực tìm cách “sống chung” với trận lũ mà theo họ là chưa từng có trong lịch sử.
Bà Lê Thị Hà, 65 tuổi, sống tại đường Hà Huy Tập (phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) cho biết đây có lẽ là trận lũ cao nhất trong lịch sử mà bà từng chứng kiến.
Trước đây, năm 2010 cũng xảy ra một trận lũ kinh hoàng với người dân thành phố Hà Tĩnh nhưng theo bà chưa “nhằm nhò” gì so với trận lũ năm nay.
Tại thành phố Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 2 mét như các đường Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập, Đồng Quế, Nguyễn Biểu…
Nước tràn vào ngập cả tầng 1, nhiều gia đình không có tầng 2 phải đi lánh nạn ở những vùng cao hơn. Nước ngập, đường ngập cùng với việc mất điện, mất nước, thực phẩm thiếu đã khiến người dân thành phố Hà Tĩnh vô cùng vất vả để vượt qua.
Có mặt tại vòng xuyến BMC - được coi là nơi cao nhất của thành phố Hà Tĩnh, trong đêm 19/10, nước cũng ngập đến hơn đầu gối. Đến ngày 20/10, mưa đã bắt đầu giảm, nước rút được phần nào, địa điểm này trở thành điểm tập kết, trung chuyển của người dân thành phố.
Một “chợ xép” tự phát mọc lên trước tòa nhà Vincom Hà Tĩnh với dăm món hàng thực phẩm thiết yếu được bày bán như rau, thịt, cá.
Một tiểu thương buôn bán rau ở chợ thành phố Hà Tĩnh cho biết: "Tôi đem rau lên đây bán lời lãi không được bao nhiêu nhưng mong muốn cung cấp được rau xanh cần thiết cho người dân sống qua những ngày mưa lũ."
Ngày 20/10, chỉ có hai siêu thị lớn ở thành phố Hà Tĩnh là Vincom và CO.OP Mart mở cửa nên rất đông người dân vượt nước lũ đến để mua những nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống, gas, nến...
[Mưa lớn tiếp tục ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, hàng chục ngàn dân phải sơ tán]
Tuy nhiên, quãng đường để đến được siêu thị không hề đơn giản, người dân phải vượt qua nhiều tuyến đường ngập sâu nguy hiểm.
Trong những ngày này, tình người lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Tại các đường phố ở thành phố Hà Tĩnh, hàng chục chủ xe ben đã tự nguyện mang xe đến để “trung chuyển” miễn phí người dân đi mua hàng dọc các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập…
Anh Ngô Văn Hùng, lái xe ben trú ở Tổ dân phố 12 (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết khu vực nhà anh ở tuy không bị ngập nhưng những ngày này ở nhà rất nóng ruột, anh mang xe vào đây, tự đổ dầu để cứu trợ giúp người dân.
Từ chiều 19/10 đến nay, anh Hùng di chuyển theo cung đường từ vòng xuyến BMC đi dọc đường Hà Huy Tập, người dân có nhu cầu sẽ lên xe để anh “trung chuyển” đến tận nơi miễn phí."
Có mặt trên thùng xe ben của anh Hùng, anh Trần Quốc Hoàng (trú ở khối phố 3, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) xúc động nói: "Mưa lụt, nhà toàn phụ nữ và trẻ nhỏ, tôi phải bất chấp nước to, lội từ trong ngõ ở đường Hà Huy Tập ra để mua đồ dùng thiết yếu. May mắn là gặp được những anh xe ben tốt bụng nên quãng đường di chuyển được dễ dàng hơn."
Dọc các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập… còn có nhiều đội nhóm thiện nguyện dùng những chiếc xuồng hơi chất đầy các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, sữa, nước, bánh ngọt… được chia thành từng túi nhỏ, kéo đi dọc các tuyến đường để cứu trợ cho người dân bị cô lập, thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết.
Anh Trần Văn Hậu, đại diện nhóm Thiện tâm Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết nhóm dự kiến mua hàng vào cứu trợ đồng bào lũ lụt ở huyện Cẩm Xuyên nhưng do Quốc lộ 1A bị ngập sâu không thể di chuyển được.
Chứng kiến người dân thành phố Hà Tĩnh đang bị cô lập bởi lũ lụt, Đoàn quyết định trước mắt ứng cứu cho người dân thành phố. Từ chiều 19/10, nhóm dùng xuồng cứu trợ giúp người dân di dời người và tài sản.
Đến sáng 20/10, nhóm bắt đầu đi xuồng đến những điểm người dân bị cô lập, không thể ra ngoài được để cứu trợ hàng ăn gồm mì tôm, sữa, lương khô…
Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do mưa lớn còn tiếp diễn, lũ trên các con sông lớn đang xuống chậm nên cảnh báo ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị ở Hà Tĩnh.
Người dân thành phố Hà Tĩnh tiếp tục chuẩn bị tinh thần để “sống chung với lũ” trong nhiều ngày tới./.