Mua sắm trực tuyến: Rào cản lớn nhất vẫn nằm ở hai chữ 'tin cậy'

Theo một khảo sát mới nhất của Công ty cổ phần Sendo, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.
Mua sắm trực tuyến: Rào cản lớn nhất vẫn nằm ở hai chữ 'tin cậy' ảnh 1Một trong những website thương mại điện tử có số lượng truy cập cao hiện nay. (Ảnh minh họa: Nguồn lazada.vn)

Thương mại điện tử đang bùng nổ và cũng làm thay đổi cách mua sắm của người tiêu dùng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất trong các hoạt động giao dịch trực tuyến vẫn nằm ở hai chữ "tin cậy".

Đây cũng là nội dung được đưa ra tại Hội thảo: "Phát triển hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông dành cho Thương mại điện tử" do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay (23/5), tại Hà Nội.

[Giao dịch thương mại điện tử: Tiện ích và những rủi ro]

Bùng nổ mua sắm qua mạng

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử được đánh giá tiếp tục ở mức cao, theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu lên tới 35%.

Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Còn đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội.

Một số sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến hiện nay có thể kể đến như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn... hoặc mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam cũng có xu hướng mua hàng qua chương trình quảng cáo trên tivi hoặc tiến hành giao dịch qua điện thoại.

Nói về kênh mua sắm này, bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông VMG cũng nhìn nhận tiềm năng rất lớn của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam.

Theo bà, nhu cầu về Internet của Việt Nam như 3g rất thuận tiện, kết hợp với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh (Smart phone) hiện nay cũng từ 50-60% đã tạo ra nhiều cơ hội đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

"Bản thân tôi khu có nhu cầu mua sắm sản phẩm cũng ngồi trên web để lựa chọn mua và bỏ thói quen phải ra ngoài chợ để lựa chọn hàng hóa," bà Thủy nói.

Báo cáo của VECOM cũng cho thấy, có tới 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, cao nhất trong các công cụ trực tuyến và đứng thứ hai là bán hàng thông qua website của doanh nghiệp (35%).

Đáng chú ý, thống kê của Ban tổ chức sự kiện Mua sắm trực tuyến (Online Friday 2017) diễn ra ngày 1/12/2017, đã có trên 1.300 website đăng ký cùng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia giao dịch và con số giao dịch cũng đem lại nhiều kết quả bất ngờ, chỉ trong 24 giờ mua sắm, đã có 2,8 triệu người truy cập, tăng 400.000 lượt so với năm 2016.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động mua, bán hàng hóa thông qua phương thức trực tuyến có đóng góp rất lớn và là động lực giúp doanh nghiệp nâng cao doanh số.

Mua sắm trực tuyến: Rào cản lớn nhất vẫn nằm ở hai chữ 'tin cậy' ảnh 2Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vẫn cần 2 chữ "tin cậy"

Mặc dù là một kênh bán hàng ưu việt và cũng là xu hướng phát triển hiện nay của nhiều nước trên thế giới, nhưng nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn còn nghi ngại khi quyết định nhấn nút vào bàn phím.

Bà Thủy cho ràng, để thương mại điện tử phát triển thì cần rất nhiều vấn đề liên quan như: chất lượng hàng hóa của nhà cung cấp, quy trình giao hàng tạo ra sao... Bởi trên thực tế, nếu mua hàng không hài lòng nhiều lần, niềm tin sẽ giảm xuống và người tiêu dùng sẽ quay lại để mua hàng ở kênh truyền thống.

Theo một khảo sát mới nhất của Công ty cổ phần Sendo, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.

Giải đáp thêm câu hỏi tại sao thương mại điện tử chưa phát triển đúng tiềm năng hiện có, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nêu ra những tồn tại mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn chưa đáp ứng được như: Khả năng cung cấp dịch vụ, chất lượng hàng hóa và hơn nữa là phương thức thanh toán...

Gói gọn lại, theo ông chính là ở hai chữ "tin cậy" bởi đây cũng chính là một trong những trở ngại chính kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay.

Đưa ra kinh nghiệp trên thế giới, ông Hải cho biết, việc sử dụng tin nhắn để giải quyết các đơn hàng thương mại điện tử vẫn là lựa chọn tối ưu, điều này cũng nhằm thể hiện sự tin cậy và đảm bảo sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với ước tính trung bình trên 500.000 đơn hàng được giao dịch trong một ngày

Bên cạnh dịch vụ SMS cho thương mại điện tử, nhóm dịch vụ SMS phục vụ người dân, doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng cho thấy tiềm năng lớn về dịch vụ.

Tuy nhiên, thực tế dịch vụ SMS hiện nay tại Việt Nam còn lạc hậu với rất nhiều yếu điểm vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được khắc phục. Sản lượng SMS chung ngày càng giảm hoặc tăng trưởng chậm do xu hướng người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ tin nhắn OTT (Viber, Zalo, v.v…), Instant Message (FB messenger).

"Khi người tiêu dùng nhận được tin nhắn, các thông tin về đơn hàng thì độ tin cậy tăng lên rất nhiều. Do vậy, về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hỗ trợ  để giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc thanh toán cũng như tăng độ tin cậy trong lĩnh vực này nhằm tạo động cho thương mại điện tử phát triển," ông Đặng Hoàng Hải cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.