Mùa Xuân Arab năm nay không còn giống năm xưa

Người ta hoàn toàn có thể cho rằng khao khát có được nền dân chủ của người dân đã kích động các “đám cháy” hiện nay, giống như cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011.
Mùa Xuân Arab năm nay không còn giống năm xưa ảnh 1Ông Abdelaziz Bouteflika khi giữ chức Tổng thống Algeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, bài xã luận trên tờ The Economist hồi đầu năm nay mở đầu bằng câu: “Một bóng ma đang ám ảnh các nước giàu có. Đó là bóng ma của sự mất kiểm soát.”

Tuy nhiên, không chỉ phương Tây đang vật lộn với sự mất kiểm soát. Tại thế giới Arab, những người biểu tình đang thể hiện rõ rằng họ sẽ không thể bị kiểm soát cho đến khi các nhà lãnh đạo của họ đưa ra nền quản trị tốt.

Nguyên nhân trực tiếp kích động các cuộc biểu tình tại các nước là rất khác nhau.

[Làn sóng mới đang làm rung chuyển thế giới Arab]

Tại Algeria, tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của ông Abdelaziz Bouteflika đã khiến người dân đổ ra đường phố.

Tại Ai Cập, đó là việc chính phủ thắt chặt chương trình trợ cấp lương thực, vốn cung cấp các nhu yếu phẩm như gạo cho hàng triệu người dân.

Tại Iran, nguyên nhân là do việc giá nhiên liệu vốn được trợ cấp ở mức cao bị tăng thêm 50%.

Nguyên nhân tại Sudan là giá cả tăng cao và sự thiếu hụt bánh mỳ, trong khi tại Liban, đó là do đề xuất đánh thuế vào các cuộc gọi qua các ứng dụng như WhatsApp.

Tuy nhiên, các tia lửa này tạo ra đám cháy lớn là bởi đã có rất nhiều nhóm lửa cháy âm ỉ. Thậm chí sau khi ông Bouteflika từ chức, Ai Cập đưa trở lại 1,8 triệu người vào chương trình trợ cấp lương thực và Liban hủy bỏ thuế WhatsApp, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.

Mùa Xuân Arab năm nay không còn giống năm xưa ảnh 2Người biểu tình đốt phá phong tỏa một tuyến đường ở thành phố Sidon, miền nam Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người ta hoàn toàn có thể cho rằng khao khát có được nền dân chủ của người dân đã kích động các “đám cháy” hiện nay, giống như cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011. Tuy nhiên, Mùa Xuân Arab đã dẫn tới chính quyền Hồi giáo nắm quyền trong một số trường hợp trong khi lại dẫn tới sự sụp đổ nhà nước trong các trường hợp khác.

Giờ đây, khi người dân không còn kỳ vọng vào các chỉnh phủ dân chủ hoàn toàn (bởi theo họ, cuối cùng quân đội sẽ lại nắm quyền) những người biểu tình đang đòi hỏi các chính phủ có thể vận hành và tương đối có trách nhiệm.

Bất kỳ nhà nước được vận hành nào, cho dù dân chủ hay không, đều dựa vào sự “khế ước xã hội,” mà ở đó các chính phủ có được tính hợp pháp nhờ khả năng mang lại các điều kiện duy trì tăng trưởng kinh tế đều đặn, đảm bảo công ăn việc làm và mạng lưới an sinh xã hội đáng tin cậy.

Các nhà độc tài Arab, vốn được che đậy bởi các bộ máy an ninh tham nhũng và vô trách nhiệm, đã vi phạm “khế ước” này.

Các diễn biến gần đây - như nguồn thu từ dầu mỏ giảm sút và tại Ai Cập, sự điều chỉnh cấu trúc do Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu - đã làm trầm trọng hơn tổn hại kinh tế của người dân Arab, đẩy nhiều người tới mức phá sản.

Tại Iraq, sự tức giận với tình trạng tham nhũng và thất nghiệp gay gắt đến mức người dân không cần một động lực trực tiếp rõ ràng để khiến họ đổ ra đường phố.

Mùa Xuân Arab năm nay không còn giống năm xưa ảnh 3Người dân Iraq tuần hành tại thủ đô Baghdad. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab năm 2011 thất bại một phần bởi mâu thuẫn xã hội sâu sắc - giữa người Shi’ite và Sunni, người Druze và người Kurd, lực lượng thánh chiến cực đoan và các chính khách Hồi giáo, người Berber và người Arab, và người Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.

Các kẻ độc tài đã nhanh chóng tận dụng các căng thẳng này để làm suy yếu phe đối lập và áp đặt lại quyền lực.

Algeria, Iraq, Liban và Sudan không hề thiếu vắng mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo, với nhiều cuộc xung đột sắc tộc từng diễn ra trong lịch sử. Tuy nhiên, những người biểu tình tại đó đã sẵn sàng và có thể vượt qua bất đồng.

Sự hòa hợp sắc tộc sẽ dễ dàng đạt được hơn khi những người biểu tình tập trung vào nỗi oán giận chung về kinh tế, thay vì mơ tưởng về dân chủ và xây dựng nhà nước.

Hiện nay, ngay cả khi những người biểu tình đang tìm cách né tránh những thất bại trong cuộc nổi dậy năm 2011, họ vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương. Họ đang đối đầu với các bộ máy đàn áp hùng mạnh trong khi không có các lãnh đạo hay chiến lược rõ ràng.

Tại Iraq, những người biểu tình bị cảnh sát bắn hạ. Tại Iran, số người thiệt mạng đã lên tới hơn 300 người trong khi số người bị bắt giữ đã lên tới hàng nghìn người. Ai Cập cũng tiến hành cuộc bắt giam hàng nghìn người, với các nhà báo là mục tiêu hàng đầu của lực lượng an ninh.

Trong bối cảnh không một cường quốc nước ngoài nào sẵn sàng can thiệp để ngăn chặn vụ trấn áp, những người biểu tình đang trong thế bất lợi. Ít nhất hồi năm 2011, phương Tây - dưới sự lãnh đạo của Tổng thổng Mỹ Barack Obama - đã ủng hộ nỗ lực thúc đẩy dân chủ của thế giới Arab.

Ngày nay, Tổng thống Donald Trump - người không mấy quan tâm đến trách nhiệm quốc tế của Mỹ, và một lần nữa gọi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi là “nhà độc tài ưa thích” của ông - đang làm chủ xu thế hiện nay. Về phần mình, châu Âu đang vật lộn để kiềm chế các phong trào độc tài và có mầm mống phátxít.

Ngày nay, những người biểu tình Arab đã điều chỉnh chiến thuật và mục tiêu theo các bài học rút ra từ Mùa Xuân Arab. Họ có thể đạt được một số nhượng bộ nhằm khiến họ có thể “bị kiểm soát” một lần nữa; và trên thực tế họ đã nhận được điều đó./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.