Mức sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức thấp và trong 20 năm qua có xu hướng liên tục giảm, đang là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước trong tương lai; cần có những chính sách đồng bộ giải quyết tình trạng trên, đảm bảo cơ cấu, chất lượng dân số cho quá trình phát triển.
Đó là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp,” do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/11.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây chục năm, phong trào sinh đẻ có kế hoạch được thành phố cũng như cả nước thực hiện sôi nổi và có hiệu quả, qua đó giải quyết được vấn đề kiểm soát quy mô dân số, nâng chất lượng dân số. Tuổi thọ trung bình cũng như các chỉ số chăm sóc sức khỏe người dân của thành phố đều được nâng lên.
Tuy nhiên, nếu mức sinh của cả nước trong khoảng 20 năm qua dao động ở mức trên 2, thì riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức cao nhất là 1,76, còn trong 5 năm gần đây ở mức 1,3-1,4. So với mức sinh thay thế 2,1 con, mức sinh của thành phố hiện nay khá thấp. Đây là vấn đề mà thành phố đang rất quan tâm để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm tăng mức sinh, ít nhất bằng mức sinh thay thế, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước.
Thông tin về công tác dân số của thành phố, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của thành phố, đất nước, trong đó mức sinh hiện ở mức rất thấp.
Tổng tỷ suất sinh của thành phố năm 2018 là 1,33 con; ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Số liệu từ năm 2000 đến 2018 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con ở năm 2000 giảm còn 1,33 con ở năm 2018; xu hướng khôi phục theo hướng tăng rất ít, có năm 2008 đạt 1,63 con, năm 2013 đạt 1,68 con.
Thành phố Hồ Chí Minh đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao, làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại thành phố.
"Nếu hôm nay mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1 (1 đứa trẻ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4 (1 đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại). Những đứa trẻ ngày hôm nay được "chăm sóc" rất kỹ lưỡng bởi 6 người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong tương lai" - bà Phạm Thị Mỹ Lệ băn khoăn về một trong những hệ lụy của mức sinh thấp.
Phân tích cụ thể về nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp, các đại biểu cho rằng, áp lực của cuộc sống và công việc khiến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện cần nhiều chi phí dẫn đến tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con giảm. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt...
Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc nhiều gia đình không thể sinh con…
Để giải quyết tình trạng trên, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố đề xuất Sở Y tế trực tiếp tham mưu Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách Dân số và Phát triển tại thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số.
Cụ thể, hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi; tăng cường truyền thông, vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”…/.