Mục tiêu của Mỹ trong tái đàm phán NAFTA: Giảm thâm hụt thương mại

Mục tiêu nổi bật của Mỹ trong quá trình tái đàm phán NAFTA là giảm thâm hụt thương mại, thắt chặt quy định về xuất xứ và đưa vào một chương về kinh tế số.
Mục tiêu của Mỹ trong tái đàm phán NAFTA: Giảm thâm hụt thương mại ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (phải) rời cuộc họp báo về NAFTA ở Washington, DC ngày 6/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 17/7, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã trình lên Quốc hội nước này một văn bản trong đó liệt kê một số mục tiêu trong quá trình tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mexico, Mỹ và Canada), trong đó nổi bật là giảm thâm hụt thương mại, thắt chặt quy định về xuất xứ và đưa vào một chương về kinh tế số.

Thông cáo của USTR khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn nhằm tăng cường tiếp cận thị trường Canada và Mexico đối với lĩnh vực chế tạo, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của Mỹ.

[Mỹ muốn hoàn tất việc đàm phán lại NAFTA vào đầu năm 2018]

Văn bản trên nêu rõ sẽ tìm cách xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan cản trở xuất khẩu, đưa vào “tầm ngắm” đối với trợ cấp và các doanh nghiệp chính phủ nhằm đảm bảo luật chơi và duy trì tiếp cận phi thuế quan đối ứng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

USTR cũng cho biết cần cập nhật và thắt chặt đến mức có thể các quy định về xuất xứ sản phẩm nhằm đảm bảo lợi ích thương mại của NAFTA.

NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994.

Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.