Muốn giảm nghèo cần giảm chính sách chồng chéo, gây lãng phí

Do các chính sách giảm nghèo được ban hành vào các giai đoạn khác nhau nên không tránh khỏi tình trạng tản mạn, trùng lặp và không còn phù hợp với thực tiễn.
Muốn giảm nghèo cần giảm chính sách chồng chéo, gây lãng phí ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo toàn quốc chiều 23/4. (Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN)

Việt Nam có nhiều chính sách giảm nghèo được ban hành vào từng giai đoạn khác nhau, tùy vào tình hình ngân sách từng thời điểm mà các chính sách được bổ sung trong nhiều năm. Thực tế này khiến các chính sách không tránh khỏi tình trạng tản mạn, có sự trùng lặp, một số không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, cần rà soát, tập hợp lại các chính sách thành hệ thống để dễ bao quát và tổ chức thực hiện.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo được tổ chức ngày 23/4.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh, quá trình rà soát, lồng ghép chính sách không được nóng vội và cần có lộ trình và tiến độ thực hiện hợp lý. Trong quá trình thay đổi, khi chưa có chính sách mới thì không được gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Nếu rà soát phát hiện có sự chồng chéo về chính sách cần đề xuất điều chỉnh lại cho phù hợp, không gây lãng phí ngân sách.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 7,8% năm 2013. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo đã giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 38,2% năm 2013, bình quân giảm 5%/năm.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm trong những năm gần tây, nhưng tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới vẫn còn cao, cho thấy công tác giảm nghèo vẫn chưa bền vững. Bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo.

Đối với vấn đề công tác giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, thời gian tới trong quá trình nghiên cứu thiết kế chính sách phải phân loại đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những người không có khả năng thoát nghèo do sức khỏe, tuổi già… thì chuyển hẳn sang đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, cần phải mở rộng dần các chính sách cho hộ cận nghèo để đảm bảo giảm nghèo bền vững

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã cho biết một số chính sách giảm nghèo đang được triển khai hiệu quả như: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ giáo dục-đào tạo đối với học sinh nghèo, hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, hỗ trợ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ đất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số...

Các đại biểu cho rằng để giảm nghèo thực sự bền vững, cần tăng sự đồng thuận trong thực hiện chính sách giảm nghèo, nghiên cứu mức hỗ trợ khác nhau phù hợp với từng địa phương, địa bàn khác nhau, chú trọng đến công tác học nghề, tạo việc làm, gắn việc sản xuất với tiêu thụ, quy hoạch sản xuất để phát huy thế mạnh từng vùng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục