"Muốn giảm nghèo nhanh phải phân công đầu mối rõ ràng"

Theo ông Hùng, muốn giảm nghèo bền vững nên phân công đầu mối thật rõ ràng, nhất là tới đây thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo theo nguyên nhân nghèo.
"Muốn giảm nghèo nhanh phải phân công đầu mối rõ ràng" ảnh 1Ông Đỗ Mạnh Hùng trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+).

Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận cả ngày về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn Thái Nguyên) đã trao đổi về những giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

- Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa bền vững. Vậy đâu là những hạn chế, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Giảm nghèo luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đó là mục đích, yêu cầu, động lực của phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua rất tích cực, được nhân dân, Liên hợp quốc cũng như dư luận quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế.

Qua quá trình giám sát chúng tôi thấy: Thứ nhất, hệ thống chính sách giảm nghèo ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn chồng chéo, manh mún. Quy trình xây dựng chính sách vẫn từ trên xuống, chưa huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân. Thứ hai, nguồn lực cho giảm nghèo tuy đã cố gắng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Thứ ba, cơ chế tổ chức thực hiện vừa trùng lắp, phân tán, chưa phân cấp rõ cho địa phương nên chưa phát huy được tính chủ động. Thứ tư, huy động nguồn lực xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, còn hạn chế. Thứ năm, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số… vẫn còn cao.

Chúng tôi cho rằng người nghèo nhiều nơi bị áp đặt từ khâu bố trí nguồn lực và phương thức thoát nghèo nên bản thân người nghèo vẫn chưa phát huy tiềm năng sáng tạo hay là mong muốn vươn lên thoát nghèo mà có sự trông chờ ỷ lại. Bên cạnh đó, vai trò của một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến giảm nghèo.

- Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên, thưa ông?


Ông Đỗ Mạnh Hùng:
Theo tôi nên rà soát, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt các văn bản để hệ thộng chính sách giảm nghèo tuy có độ bao phủ rộng nhưng phải rõ thời gian, đối tượng thì sẽ có hiệu quả hơn.

Về mặt tổ chức thực hiện, nên phân công đầu mối phải thật rõ ràng. Tất nhiên giảm nghèo phải có sự tham gia của cả hệ thống, các bộ ngành nhưng từng lĩnh vực, chương trình nội dung phải có cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện. Ngoài ra, phải phân cấp mạnh hơn, nhất là tới đây thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo theo nguyên nhân nghèo.

Chúng tôi sơ bộ đánh giá có mấy nguyên nhân nghèo sau: Thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu kinh nghiệm, kiến thức lao động, nghề, thiếu phương tiện, công cụ, trang thiết bị, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và các nguyên nhân khác như thiên tai, ốm đau bệnh tật…

Từng nguyên nhân này phải có những giải pháp khác nhau và chỉ có chính quyền địa phương, cơ sở mới nắm sát tình hình, nắm được nguyên nhân nghèo của từng hộ để có giải pháp thiết thực.

Điểm nữa là phải gắn nguồn lực đầu tư với kết quả đầu ra, nghĩa là phải có việc làm thực sự mới giúp cho việc giảm nghèo hiệu quả.

Do đó, trong định hướng giảm nghèo sẽ chú trọng hơn tính bền vững và đặc biệt là thực hiện kịp thời hơn chuẩn nghèo mới mang tính chất đa chiều để đảm bảo giảm nghèo bền vững.

- Vậy khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều có làm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay gia tăng không, thưa ông?


Ông Đỗ Mạnh Hùng:
Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều hoàn toàn khả thi tức là chỉ tính dựa trên thu nhập nhưng thực tế chính sách thực hiện đã là đa chiều rồi, như chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, thông tin.

Giai đoạn 2005-2012, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,3-2,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn có khoảng cách khá lớn, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…

Trong đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm nghèo, chúng tôi kiến nghị nội hàm chính trong khái niệm giảm nghèo đa chiều không chỉ là vấn đề thu nhập, việc làm, an sinh xã hội mà còn đảm bảo nhu cầu thiết yếu chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, thông tin.

Theo điều tra sơ bộ, có những vùng nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ nghèo sẽ tăng lên đáng kể, nhưng cũng có vùng tỷ lệ này thay đổi không lớn lắm bởi thực tế chính sách Nhà nước đang triển khai đã áp dụng đa chiều. Dù có tăng lên thì chúng ta vẫn phải chuyển sang một hệ đo lường về đa chiều để giảm nghèo đảm bảo tính bền vững được.

- Vừa qua, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có hai địa phương không còn tỷ lệ hộ nghèo là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Ông Đỗ Mạnh Hùng:
Đây là một tình hình thực tế ở địa phương, nhưng phải hiểu là không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (500.000 đồng/người/tháng với thành thị và 400.000 đồng/người/tháng với nông thôn).

Thành phố Hồ Chí Minh với mức 500.000 là mức thấp so với yêu cầu về mặt chỉ tiêu nên họ đã phải nâng chuẩn nghèo lên 16 triệu/năm, trên 1.250.000 đồng/người/tháng. Bình Dương nâng chuẩn nghèo là 800-900.000 đồng/tháng. Và nếu theo chuẩn nghèo mới này thì vẫn còn một tỷ lệ hộ nghèo nhất định ở các địa phương này. Nhiệm vụ về giảm nghèo vẫn phải tiếp tục đặt ra chứ không phải không còn hộ nghèo nghĩa là hết nhiệm vụ giảm nghèo.

Bên cạnh đó vẫn còn đến 5 tỉnh, thành phố khác nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia là Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Chúng ta nên khuyến khích vì như thế mới cải thiện nghèo một cách thực chất.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những độ vênh nhất định trong chính sách. Ví dụ như về tín dụng theo chuẩn nghèo quốc gia mà tỉnh đó không còn hộ nghèo nữa thì sẽ bị cắt giảm nguồn lực, hay là chính sách về bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ những hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia thôi. Vì thế chúng tôi cũng đề xuất phải nghiên cứu để áp dụng một số khung chính sách giảm nghèo cho một số địa phương đã nâng chuẩn nghèo lên cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia, đặc biệt là chính sách về tín dụng, y tế và giáo dục.

"Muốn giảm nghèo nhanh phải phân công đầu mối rõ ràng" ảnh 2Chăn nuôi lợn trong mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của một hộ dân ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN).

- Ông đánh giá thế nào về đóng góp của chính sách tín dụng trong quá trình giảm nghèo thời gian qua, những vấn đề còn hạn chế là gì?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Chính sách tín dụng là một trong những chính sách có hiệu quả, nói một cách hình ảnh thì đó là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện giảm nghèo. Tính từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạo điều kiện hỗ trợ cho vay tới 23,4 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo; các hộ chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và cũng nhờ nguồn này, đã có trên 3 triệu lượt hộ nghèo đã thoát nghèo.

Mặt khác, chính sách tín dụng đã làm tăng thêm tính chủ động sáng tạo của các hộ nghèo vì vốn vay thì đương nhiên khác với cái được cho không. Họ cũng phải suy nghĩ làm sao sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách này cũng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể địa phương như dư nợ qua vốn ủy thác đối Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên chiếm tới 98,7%, tức là trên 120.000 tỷ đồng. Như vậy là chính sách này đã thực sự có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn có mặt còn hạn chế là nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu. Qua giám sát thì thấy chỉ có 10% số hộ được vay ở mức tín dụng cao nhất là 30 triệu đồng, trong khi đó người dân vẫn có nhu cầu vay nhiều hơn nữa để đáp ứng những dự án lớn.

Ngoài ra, vẫn còn những tồn đọng giữa ngân sách Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chúng tôi được biết nợ cấp bù lãi suất vẫn rất lớn, tại thời điểm giám sát Bộ Tài chính xác nhận ngân sách vẫn còn nợ cấp bù lãi suất trên 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thời gian cho vay và lãi suất vẫn chưa linh hoạt. Thường thì chu kỳ giảm nghèo đối với một hộ từ 3-5 năm nhưng nếu cho vay trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê thì thời gian vay phải dài hơn. Cho nên thời gian tới, chính sách tín dụng trong thực hiện giảm nghèo vẫn là một trong nhựng trụ cột.

Muốn vậy phải tăng nguồn vốn để đảm bảo hộ nghèo và cận nghèo nếu có nhu cầu đều có thể tiếp cận được nguồn vốn này; mức cho vay, lãi suất và thời gian phải phù hợp để đảm bảo giảm nghèo theo địa chỉ, cần linh hoạt để xử lý chứ không đóng khung trong 3-5 năm hay mức vay 30-50 triệu đồng/hộ.

Cuối cùng, tín dụng phải gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho vay tiền nhưng cũng phải hướng dẫn người dân cách sử dụng vốn để có hiệu quả cao nhất.


- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục