Mưu sinh những ngày mùa hoa Tết: Mong một cái Tết đầm ấm

Hà Nội chiều 29 tháng Chạp, dọc các phố, những người bán đào, bán quất, hối hả chuyển những “nhành xuân” lên xe người vào phố.
Mưu sinh những ngày mùa hoa Tết: Mong một cái Tết đầm ấm ảnh 1Người dân đi mua hoa đào chuẩn bị đón Tết ở chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hà Nội chiều 29 tháng Chạp, dọc các phố Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Minh Khai, Vĩnh Tuy… những người bán đào, bán quất, hối hả chuyển những “nhành xuân” lên xe người vào phố.

Cây quất, cành đào, nụ hoa vơi bớt là niềm hy vọng, sự mong chờ vào một cái Tết tươm tất hơn lại đầy lên…

Xoa hai bàn tay khô nám đất rồi khẽ quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Lê Văn Duẩn, 38 tuổi, ở Nhật Tân, Tây Hồ, hướng ánh mắt về phía ngã tư cầu Mai Động, nơi một vị khách vừa chở từ chỗ anh đi một cây đào bích sắp vào độ mãn khai sung mãn, nói: "Cây đào đấy đủ cả nụ, quả non, lộc, hoa kép, cánh dày, gốc to, xù xì, dáng thế đâu ra đấy. Tôi trồng hơn 6 năm nay rồi, vừa bán giá bảy trăm rưỡi."

Đã mười năm nay, cứ cách Tết chừng một tháng là gia đình anh Duẩn rục rịch cho việc chuẩn bị bán đào.

Trước lễ ông Công, ông Táo hai ngày là gia đình anh Duẩn “bứng” hàng chục gốc đào đem ra khu vực Kim Ngưu. Năm nay anh Duẩn tiếp tục chọn khu vực này đem đào Nhật Tân ra bán.

Theo lời anh, mấy đợt nắng vừa rồi làm đào nở nhiều. Đào nở nhiều mà ít người mua hơn năm trước, giá lại rẻ.

“Như mọi năm, khoảng thời gian này là lượng đào trong ruộng của tôi cũng như các nhà trong làng sắp hết, ấy vậy mà giờ còn nhiều. Hôm 26 tôi bán được năm, sáu cây, từ 27 trở lại đây mỗi ngày được hơn chục cây. Nhưng chủ yếu là những cây cỡ nhỏ, ít năm, còn những cây to, gốc lớn, những cây có giá thành cao thì chậm. Mong là chiều nay đến sáng mai bán nốt mấy cây này để thêm được cái quần, cái áo cho mấy đứa con” - Anh Duẩn nói, giọng hy vọng.

“Cận Tết rồi, nhà nhà, người người đi mua sắm mà mình vẫn chưa sắm sửa được gì, nhưng cả nhà vẫn phải gồng mình lên thôi. Quanh năm ăn, ngủ với cây, giờ trông chờ vào mỗi mấy ngày này” - Anh Duẩn bảo.

Ở gần đó, anh Phúc, người đàn ông trạc 50 tuổi khệ nệ vòng tay ôm cây quất đặt lên xe máy của một thanh niên, sau đó nhanh chóng lấy dây buộc chặt chậu quất Tứ Liên “tứ quý” lên xe. Công việc xong xuôi, anh Phúc quay vào chỗ ngồi rót cốc trà mạn nhấp ngụm nhỏ rồi rít điếu thuốc lào. Trước mặt anh là những cây quất lúc lỉu quả, lá xanh non mơn mởn điểm những bông hoa trắng đang tỏa mùi hương ngai ngái.

Mấy ngày này, anh Phúc và gia đình đưa số quất này từ Tứ Liên về bán với mong mỏi có được cái Tết tươm tất. Nhà có 5 người 2 thế hệ, cứ chia nhau ra mà lo liệu, sắp xếp việc chu đáo.

Theo lời kể của người có “thâm niên” gần chục năm “bám đường” này, anh vốn chuyên lắp đặt máy điều hòa, còn vợ là thợ may, nhưng mùa đông việc ít, sẵn “mối” quen biết nên cứ dịp Tết là anh đầu tư làm thêm nghề này. Giáp Tết năm ngoái, công việc này giúp kiếm lãi gần 20 triệu đồng, trả được ít nợ, còn dư được một chút để lo Tết cho gia đình. Năm nay, anh tiếp tục đầu tư vào gần 80 cây quất với mong mỏi có cái Tết ấm áp cho gia đình.

Chị Lê Thị Hà, chủ của “lô” mặt bằng bán hoa cảnh gồm mai trắng, mai vàng, đỗ quyên, cúc, ngọc thảo, trạng nguyên… vừa tranh thủ ăn vội hộp cơm, vừa đon đả chào mời khách vào mua hoa.

Người phụ nữ 44 tuổi này (quê Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: Năm nay là năm thứ tư chị “bám đường” bán hoa tươi ở Thủ đô. Khu vực bán hoa của chị Hà nằm trên vỉa hè phố Kim Ngưu. Sẵn có mấy cây xanh tạo bóng mát gần đó, tối muộn, chị và chồng căng thêm ít dây rồi kéo tấm bạt nhỏ, trải thêm tấm nilon, thế là thành “túp lều” tạm để cả nhà lấy chỗ nghỉ ngơi và trông hàng.

“So với mọi năm thì năm nay bán chậm hơn. Từ hôm 22 đến giờ, tôi mới bán được gần trăm cây cảnh. Thôi thì cố đến chiều 30 rồi thu dọn về nhà.”- Chị Hà cười vui nói.

Từ độ nửa tháng nay, những người làm vườn ở các làng hoa và cả những người ngoại tỉnh đổ dồn về hơn 20 điểm bán hoa tươi ở Hà Nội để bày biện bán hoa, cây cảnh “vài ba ngày Tết.”

Áp lực chi tiêu, trang trải Tết đè nặng đôi vai họ - những người mưu sinh theo dịp Tết. Song dù có phải lao động nhọc nhằn thì đằng sau những giọt mồ hôi, những toan tính lo âu, bồn chồn, những vất vả, cực nhọc của người lao động là hạnh phúc được chăm lo cho gia đình có được cái Tết đầm ấm với đủ hương vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục