Mỹ bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép...
Mỹ bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran. (Ảnh: AFP/ TTXVN .)

Đúng 4 giờ 01 GMT ngày 7/8 (tức 11 giờ 01 theo giờ Việt Nam), Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.

Từ ngày 5/11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.

Trước đó, ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là thỏa thuận "tồi và một phía."

[Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng đưa ra thỏa thuận hạt nhân mới với Iran]

Tuy nhiên, ông cũng cho biết "vẫn để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn," theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo.

Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào."

Sau tuyên bố của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định khối này đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran.

Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả "hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe" trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại.

Quy chế cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.