Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đưa nước Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu khí lớn, có cơ sở để thực hiện việc nới lỏng, thậm chí hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô áp dụng suốt hơn 3 thập niên qua.
Phát biểu với báo giới ngày 13/5, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cho biết ở thời điểm hiện tại, các bộ ngành hữu quan của Mỹ đang trong quá trình cùng nhau đánh giá lại lệnh cấm xuất khẩu dầu thô áp đặt năm 1973-1974 sau khi Saudi Arabia cấm vận xuất khẩu dầu khiến giá xăng tại Mỹ tăng vọt, nguồn cung trong nước thiếu hụt nghiêm trọng, gây tác động nặng nề tới toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, do sản lượng khai thác dầu trong nước trong vài năm qua, nhất là khai thác dầu khí từ đá phiến, tăng mạnh, khiến không ít các nhà lãnh đạo các công ty dầu khí và các nghị sỹ Quốc hội lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.
Các cuộc tranh cãi về vấn đề này đã nhiều lúc trở thành chủ đề nóng tại chính trường Mỹ.
Những người ủng hộ nói rằng sản lượng khai thác dầu nội địa tăng là lý do chính có thể bỏ lệnh cấm trong khi những người chỉ trích thì lo ngại việc bỏ lệnh cấm có nguy cơ đẩy giá xăng dầu trong nước lên cao, gây ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng (EIA), sản lượng dầu thô khai thác nội địa của Mỹ năm 2013 đạt 7,4 triệu thùng/ngày và năm 2014 này dự kiến đạt 8,5 triệu thùng/ngày.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp), với đà gia tăng sản lượng khai thác nội địa như hiện nay, đến năm 2020, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
IEA nhận định trong vòng 20 năm tới, nước Mỹ có thể tự cung tự cấp tất cả các loại năng lượng.
Một lý do khiến Mỹ sớm trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới là vì trong năm qua, nước này đã và đang chứng kiến sự bùng nổ về các dự án khai thác nguồn dầu khí đá phiến, một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ rất cao.
Sản lượng khai thác từ đá phiến của Mỹ trong vài năm qua tăng như vũ bão, điển hình là tại bang Texas và North Dakota từ năm 2010 tới nay lần lượt tăng 119% và 177%.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ trở thành nước khai thác dầu khí lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ làm thay đổi thị trường dầu khí và trở thành một thách thức lớn về chính trị đối với các nền kinh tế vốn xưa nay dựa vào nguồn dầu xuất khẩu. Một minh chứng cho chiều hướng này là sản lượng nhập khẩu khí đốt và dầu thô của Mỹ từ năm 2010 tới nay đã lần lượt giảm 32% và 15%.
Đến năm 2014, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ dự kiến sẽ chỉ còn ở mức 5,4 triệu thùng/ngày so với mức cao kỷ lục 12,5 triệu thùng/ngày năm 2005./.