Mỹ chưa xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết một số nhóm doanh nghiệp đang kêu gọi ông bắt đầu dỡ bỏ mức thuế quan 25% của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Mỹ chưa xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc ảnh 1Hàng hóa Trung Quốc xếp tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ năm 2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/1 cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra các cam kết về việc dỡ bỏ thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cho biết trưởng phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ Katherine Tai đang làm việc về vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Biden cho biết ông rất muốn có thể nói rằng phía Trung Quốc đang đáp ứng - thậm chí vượt các cam kết của họ. Nhưng tình hình thực tế vẫn chưa đạt được kỳ vọng đó.

Ông Biden cho biết một số nhóm doanh nghiệp đang kêu gọi ông bắt đầu dỡ bỏ mức thuế quan 25% của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang làm việc vấn đề này.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định còn quá sớm để thúc đẩy việc dỡ bỏ thuế quan vì Trung Quốc không tăng cường mua hàng.

[Doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc gặp khó khăn tại thị trường của nhau]

Theo số liệu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổng hợp, tiến độ mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 60% mục tiêu tính đến tháng 11/2021.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đã cam kết trong năm 2020 và 2021 mua thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ so với mức của năm 2017.

Tuần trước, phía Trung Quốc cho biết họ hy vọng Mỹ có thể tạo điều kiện để mở rộng hợp tác thương mại.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, nước này đã cố gắng khắc phục nhiều yếu tố bất lợi do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu sụt giảm và đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận từ hai bên.

Do đó, Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để hai bên mở rộng hợp tác thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.