Mỹ có thể rơi vào thế khó nếu siết trừng phạt xuất khẩu dầu của Iran

Chính phủ Mỹ sẽ khó siết trừng phạt sau vụ việc giữa Iran và Israel cuối tuần trước vì lo ngại điều này sẽ kéo giá dầu lên; ngoài ra, việc siết trừng phạt còn có thể đe dọa quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Mỹ sẽ khó siết trừng phạt sau vụ việc giữa Iran và Israel, vì lo ngại điều này sẽ kéo giá dầu lên. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ sẽ khó siết trừng phạt sau vụ việc giữa Iran và Israel, vì lo ngại điều này sẽ kéo giá dầu lên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới phân tích cho rằng Mỹ khó có thể siết trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, huyết mạch kinh tế của nước này, sau vụ tấn công Israel cuối tuần trước do lo ngại giá dầu tăng và tránh phản ứng của các khách hàng mua nhiều dầu của Iran.

Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng Rapidan, Scott Modell, nhận định nếu các dự luật trừng phạt được thông qua, Chính phủ Mỹ khó thực hiện nghiêm ngặt.

Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu thô của Iran. Ông rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân được biết với tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) mà Mỹ và Iran đạt được năm 2015.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ngăn cản Iran lách luật để bán dầu ra nước ngoài bằng cách trừng phạt các doanh nghiệp mua dầu của Iran.

Rapidan ước tính xuất khẩu dầu của Iran đạt khoảng 1,6-1,8 triệu thùng/ngày.

Con số này gần với mức 2 triệu thùng/ngày đạt được trước khi Iran bị trừng phạt. Khả năng tác động lên giá xăng, dầu là một trong số lý do khiến ông Biden e ngại khi siết trừng phạt Iran.

Chuyên gia về chống rửa tiền và trừng phạt tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, Kimberly Donovan, cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ khó siết trừng phạt sau vụ việc giữa Iran và Israel cuối tuần trước vì lo ngại điều này sẽ kéo giá dầu lên.

Ngoài ra, việc siết trừng phạt còn có thể đe dọa quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Thực tế, quan hệ hai nước đã căng thẳng trong vài năm qua do loạt vấn đề chính trị, thương mại và công nghệ. Gần đây, lãnh đạo hai nước đang tìm cách cải thiện quan hệ song phương.

Theo ước tính của hãng dữ liệu Vortexa Analytics, Trung Quốc hiện là khách mua lớn nhất với dầu Iran, với 1,11 triệu thùng dầu thô/ngày vào năm 2023.

Con số này tương đương gần 90% lượng xuất khẩu của Iran và 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhà phân tích về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Jon Alterman, cho rằng Chính phủ Mỹ có những hạn chế trong việc áp đặt trừng phạt Iran và không thể cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu dầu của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.