Mỹ công bố chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu

Chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu của chính phủ Mỹ nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào nền kinh tế thế giới..
Mỹ công bố chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu ảnh 1(Nguồn: Getty)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 4/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu tiên công bố chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu.

Đây được đánh giá là một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động trên toàn thế giới.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã công bố chiến lược tại Bộ Ngoại giao, mục tiêu của chính quyền Mỹ là nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào nền kinh tế.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết trước khi công bố, chiến lược đã được thảo luận trong 12 bộ và cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, đồng thời có sự tham vấn các bên liên quan đến từ hơn 30 quốc gia.

[Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu - Khơi dậy tiềm năng để đạt bình đẳng giới]

Trích dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngoại trưởng Blinken cho rằng hiện chỉ có 12 quốc gia trên thế giới có các biện pháp bảo vệ pháp lý giúp phụ nữ có vị thế kinh tế bình đẳng với nam giới, trong đó có việc trả lương bình đẳng và bảo vệ pháp lý tại nơi làm việc. Vì vậy, Chính phủ Mỹ khuyến khích các quốc gia bãi bỏ các luật phân biệt đối xử và thực hiện những cải cách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Các ưu tiên khác trong chiến lược bao gồm hỗ trợ tiếp cận và tài trợ cho chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già, thúc đẩy các chương trình tư vấn và đào tạo cho phụ nữ để khuyến khích tinh thần kinh doanh và làm việc, từ đó gia tăng cơ hội để phụ nữ có thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo như Giám đốc điều hành (CEO) hay thành viên hội đồng quản trị.

Trợ lý Tổng thống kiêm Giám đốc Hội đồng Chính sách giới của Nhà Trắng Jennifer Klein đánh giá việc dỡ bỏ rào cản đối với phụ nữ tham gia lực lượng lao động có thể mang lại lợi ích cho 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới.

Theo bà Jennifer Klein, chiến lược trên được xây dựng dựa trên các cam kết trị giá 300 triệu USD mà chính quyền Mỹ dành cho Quỹ Hành động vì bình đẳng và công bằng giới tính, được công bố tại Diễn đàn Bình đẳng thế hệ (GEF) của Liên hợp quốc tổ chức tại Paris vào tháng 7/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.