Ngày 3/8, các quan chức Mỹ tuyên bố mức phạt kỷ lục 300 triệu USD đối với một doanh nghiệp "ma" điều hành hệ thống gọi điện thoại tự động lừa đảo người tiêu dùng quy mô lớn.
Hệ thống này đã thực hiện 5 tỷ cuộc gọi tự động tới người tiêu dùng trong vòng hơn 3 tháng.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết doanh nghiệp bị xử phạt hoạt động dưới nhiều tên gọi khác nhau tại các nước Hungary, Panada và Mỹ ít nhất kể từ năm 2018.
[Infographics] 5 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo deepfake
Doanh nghiệp "ma" này đã tiến hành hàng tỷ cuộc gọi lừa đảo, thậm chí gọi đến cả các số điện thoại đã đăng ký chặn các cuộc gọi tiếp thị trong hệ thống của chính phủ liên bang.
Hành vi này đã vi phạm các điều luật liên bang về tội giả mạo khi sử dụng hơn 1 triệu số điện thoại định danh người gọi khác nhau để lừa người nhận trả lời điện thoại.
Các đối tượng chủ chốt trong đường dây này là Roy Cox, Jr. và Michael Aaron Jones đã quảng cáo sai sự thật về doanh nghiệp bán bảo hiểm ôtô.
Cả hai đối tượng này đã bị cấm vĩnh viễn thực hiện các cuộc gọi tiếp thị qua điện thoại kể từ thời điểm các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc.
Theo FCC, tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách đã thông báo mức phạt 300 triệu USD và cho thời hạn 30 ngày để bên bị phạt phản hồi.
Tuy nhiên, FCC không nhận được bất kỳ phản hồi nào, do đó ủy ban này chính thức công bố mức phạt trong ngày 3/8.
Trong trường hợp bên vi phạm không nộp tiền phạt, vụ việc sẽ được chuyển lên Bộ Tư pháp để tiến hành truy thu.
Người đứng đầu đơn vị thực thi của FCC Loyaan Egal khẳng định rằng cơ quan này đã và đang thực hiện nghiêm minh trọng trách bảo vệ người tiêu dùng và tính toàn vẹn của các mạng truyền thông Mỹ tránh khỏi các cuộc gọi lừa đảo./.