Mỹ đánh giá việc áp giá trần đối với dầu Nga có hiệu quả

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng mặc dù giá trần dầu thô chỉ mới có hiệu lực khoảng 1 tháng nhưng dường như đang đạt mục tiêu giữ lại dầu của Nga trên thị trường, đồng thời hạn chế doanh thu của Nga.
Mỹ đánh giá việc áp giá trần đối với dầu Nga có hiệu quả ảnh 1Một trạm bơm dầu ở làng Yamashi thuộc huyện Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. (Ảnh: AP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 10/1 đánh giá chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga do các nước phương Tây áp đặt từ tháng 12/2022 đến nay dường như đang đạt mục tiêu giữ lại dầu của Nga trên thị trường, đồng thời hạn chế doanh thu của Nga từ mặt hàng chiến lược này.

Phát biểu tại buổi tiếp người đồng cấp Canada Chrystia Freeland đang ở thăm Washington, Bộ trưởng Yellen bày tỏ: “Mặc dù giá trần dầu thô chỉ mới có hiệu lực trong khoảng 1 tháng nhưng chúng tôi đã sớm thấy tiến triển trong quá trình đạt được cả 2 mục tiêu đó, với việc giới chức cấp cao Nga đã thừa nhận rằng giá trần đang làm giảm doanh thu của nước này từ năng lượng."

Cùng ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chủ trì một cuộc họp cùng với Bộ trưởng Tài chính các nước Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh.

Trọng tâm các cuộc thảo luận nhấn mạnh tới sự cần thiết hợp tác chặt chẽ giữa các nước và xây dựng sức chống đỡ mạnh mẽ hơn để đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

[Nga cấm xuất khẩu dầu cho các quốc gia áp mức giá trần]

Theo Bộ Tài chính Anh, tại cuộc họp này, các bộ trưởng đã chia sẻ quan điểm về kinh tế toàn cầu cũng như những thách thức và phản ánh về những thách thức riêng biệt bắt nguồn từ cuộc xung đột trên.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về sự cần thiết phải hợp tác để đối phó với mối đe dọa và sử dụng các biện pháp cưỡng chế kinh tế.

Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác và đồng minh để bảo vệ nền kinh tế của các nước và tăng khả năng phục hồi tốt hơn trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, những tác động đang diễn ra của đại dịch COVID-19 hay các yếu tố khác.

Các bộ trưởng mong đợi các cam kết trong tương lai và tái khẳng định sẽ tăng cường hợp tác để đạt được các ưu tiên chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.