Mỹ đặt mục tiêu giảm mạnh chi phí năng lượng Mặt Trời đến năm 2030

Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tập trung vào các dự án nhiệt điện Mặt Trời (CSP) để cung cấp năng lượng cho các động cơ hoặc tuabin.
Mỹ đặt mục tiêu giảm mạnh chi phí năng lượng Mặt Trời đến năm 2030 ảnh 1Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm vừa công bố mục tiêu cắt giảm 60% chi phí năng lượng Mặt Trời vào năm 2030, đồng thời sẽ chi 128 triệu USD cho việc thúc đẩy phát triển và cắt giảm chi phí triển khai nguồn năng lượng tái tạo này.

Theo đó, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tập trung vào các dự án nhiệt điện Mặt Trời (CSP) để cung cấp năng lượng cho các động cơ hoặc tuabin.

Một nhà máy CSP thế hệ mới sẽ được Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia xây dựng với mức kinh phí ban đầu dự kiến khoảng 25 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ đầu tư 40 triệu USD cho 22 dự án nghiên cứu và phát triển perovskites, một loại vật liệu được sử dụng để sản xuất pin Mặt Trời màng mỏng giá rẻ.

Bộ trưởng Granholm nói rõ, tại nhiều khu vực của nước Mỹ, năng lượng Mặt Trời rẻ hơn than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác.

[Giá năng lượng cao đẩy lạm phát tiêu dùng tại Mỹ đi lên]

Cùng với những đổi mới về công nghệ và cách thức triển khai, Mỹ có thể cắt giảm hơn một nửa chi phí năng lượng Mặt trời trong vòng một thập niên tới và sẽ hòa năng lượng tái tạo giá rẻ này vào mạng lưới điện quốc gia, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và đưa nước Mỹ tiến nhanh hơn tới mục tiêu có 100% điện sạch vào năm 2035 như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra.

Mỹ đang hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Gần đây, Bộ Năng lượng đã công bố một loạt khoản vay nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo một báo cáo vừa được Hiệp hội công nghiệp năng lượng Mặt Trời Mỹ (SEIA) và Wood Mackenzie công bố vào giữa tháng này, việc lắp đặt năng lượng Mặt Trời sẽ tăng gấp 4 lần vào cuối thập niên.

Năm ngoái, năng lượng Mặt Trời chiếm tỷ trọng lớn nhất (43%) trong tổng công suất phát điện mới tại Mỹ và có thể sẽ đạt tổng công suất 419 gigawatt vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.