Mỹ dỡ bỏ có giới hạn các biện pháp trừng phạt đối với Belarus

Ngay sau khi EU thông báo đình chỉ hầu hết các biện pháp trừng phạt với Belarus, Mỹ cũng quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 9 thực thể tại nước này.
Mỹ dỡ bỏ có giới hạn các biện pháp trừng phạt đối với Belarus ảnh 1Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: AP)

Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đình chỉ hầu hết các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus, chính phủ Mỹ cũng đã có động thái tương tự khi quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với 9 thực thể Belarus.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra ngày 29/10, các biện pháp trừng phạt nhằm vào 9 thực thể của Belarus sẽ được dỡ bỏ trong vòng 6 tháng, tính từ ngày 31/10.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã mô tả động thái trên là "việc dỡ bỏ có giới hạn" nhằm đáp lại việc chính quyền Belarus đã thực hiện một số yêu cầu của Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh quyết định trên sẽ "mở ra cánh cửa đối với việc mở rộng các quan hệ thương mại cho nền kinh tế Belarus."

Việc nới lỏng trừng phạt của Mỹ được phối hợp thực hiện với Liên minh châu Âu khi tổ chức này cùng ngày đã dỡ bỏ trừng phạt Belarus do những cải thiện trong quan hệ giữa hai bên.

Theo đó, các biện pháp trừng phạt nhằm vào khoảng 170 người Belarus, trong đó có Tổng thống Alexander Lukashenko, sẽ được dỡ bỏ trong vòng 4 tháng tới ngày 29/2/2016.

EU cho rằng quan hệ giữa liên minh này với Belarus đã được cải thiện và Minsk đã thực hiện một số yêu cầu của EU, coi đây là bước đi tạo điều kiện phát triển các mối quan hệ tích cực hơn giữa hai bên.

Quan hệ Mỹ, EU-Belarus luôn trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2010 mà EU cho rằng "không minh bạch" và cáo buộc chính quyền Minsk vi phạm các nguyên tắc dân chủ.

Sau đó, EU và Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các quan chức Belarus.

Những biện pháp trừng phạt này của EU và Mỹ đã bị Belarus phản đối mạnh mẽ./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.