Mỹ: Doanh số bán hàng dịp lễ tăng cao nhất 17 năm bất chấp COVID-19

Doanh số bán hàng trong mùa mua sắm nghỉ lễ tại Mỹ (tính từ ngày 1/11 đến 24/12) đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong 17 năm.
Mỹ: Doanh số bán hàng dịp lễ tăng cao nhất 17 năm bất chấp COVID-19 ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ ngày 14/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo giới quan sát, tuy biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới kỳ nghỉ của hàng chục nghìn khách du lịch Mỹ, nó lại không tác động nhiều đến hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nước này trong kỳ nghỉ Giáng sinh.

Các hãng hàng không Mỹ đã hủy hàng ngàn chuyến bay trong đợt nghỉ lễ dài (bắt đầu từ 24-27/12) do thiếu hụt nhân lực vì các lý do liên quan đến dịch COVID-19.

Giới quan sát dự báo tình trạng đáng lo ngại này của ngành hàng không Mỹ sẽ còn kéo dài tới sau Giáng sinh. Hiện, không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy khi nào lịch trình bay sẽ bình thường trở lại.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ tỏ ra không chùn bước trước biến thể Omicron. Báo cáo theo dõi hoạt động thanh toán Mastercard SpendPulse công bố hôm 26/12 cho thấy doanh số bán hàng trong mùa mua sắm nghỉ lễ tại Mỹ (tính từ ngày 1/11 đến 24/12) đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong 17 năm.

So với kỳ nghỉ lễ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh số bán hàng của năm nay đã tăng 10,7%.

Kết quả ấn tượng trên được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu mua quần áo và đồ trang sức của người Mỹ. 

[Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại đáng kể trong quý 3 năm 2021]

Cụ thể trong giai đoạn trên, doanh số bán quần áo tăng 47%, trang sức tăng 32% và đồ điện tử tăng 16%.

Doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và 61% so với cùng kỳ năm 2019. Các cửa hàng bách hóa cũng báo cáo mức tăng doanh số 21% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Bức tranh rộng lớn hơn sẽ được đưa ra vào tháng tới, khi Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) công bố kết quả số liệu bán hàng tháng 11-12/2021 vào giữa tháng 1/2022.

Báo cáo sẽ dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, trong khi giới phân tích cũng sẽ “mổ xẻ” kết quả tài chính quý 4/2021 từ các nhà bán lẻ khác nhau.

Giới chuyên gia nhận định biến thể Omicron có khả năng làm chậm đà phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của nền kinh tế Mỹ thông qua việc gián đoạn hoạt động đi lại và mua sắm trực tiếp.

Biến thể này cũng có thể thúc đẩy lạm phát vốn đang tăng khá “nóng” bằng cách buộc các nhà máy và bến cảng đóng cửa, làm chậm trễ hoạt động vận chuyển hàng hóa và đẩy giá lên.

Cho tới hiện tại, giới chuyên gia vẫn chưa rõ mức độ tổn thương hoặc thời gian kéo dài của biến thể này đối với kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.