Mỹ đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết động thái của Mỹ không có nghĩa Washington coi chính sách tiền tệ của Nhật Bản "có vấn đề" vì quyết định được tự động đưa ra đã xét đến các yếu tố.

Tiền giấy mệnh giá 10.000 yen và 100 USD tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiền giấy mệnh giá 10.000 yen và 100 USD tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết nước này sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ và các quốc gia khác về chính sách tiền tệ, sau khi Washington đưa Tokyo trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Suzuki cho biết động thái trên của Mỹ không có nghĩa Washington coi chính sách tiền tệ của Nhật Bản "có vấn đề," vì quyết định được tự động đưa ra, đã xét đến các yếu tố như cán cân thương mại song phương.

Bộ Tài chính Mỹ quyết định đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ sau khi Tokyo tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn sự sụt giảm nhanh chóng của đồng yen so với đồng USD vào tháng 4 và tháng 5.

Đầu phiên giao dịch ngày 21/6 tại Tokyo, đồng yen đã tiếp tục trượt dốc tiến gần tới 1 USD đổi được 159 yen - mức thấp nhất trong gần 2 tháng qua.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cho biết ngay cả khi Mỹ đưa ra quyết định trên, bộ này vẫn sẽ thực hiện "hành động thích hợp" nhằm giải quyết những biến động quá mức của đồng yen.

Theo ông Suzuki, Nhật Bản sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ với các cơ quan tiền tệ của Mỹ và các quốc gia khác, phù hợp với các thỏa thuận đã ký, trong đó có thỏa thuận của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), rằng biến động tiền tệ quá mức sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và ổn định tài chính.

Đồng yen đã suy yếu nghiêm trọng do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng lớn, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất và hạ kỳ vọng của thị trường trong thời gian gần đây về việc sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Nhật Bản đã chi 9.790 tỷ yen (62 tỷ USD) từ tháng 4 đến tháng 5 để làm chậm đà giảm của đồng yen, cao hơn so với mức khoảng 9.200 tỷ yen (58 tỷ USD) hồi cuối năm 2022 trong một loạt hoạt động mua bán ngoại tệ.

Trong một diễn biến liên quan đến vấn đề tài chính, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tổ chức vòng đối thoại về tài chính vào ngày 25/6 tới tại Seoul, nhằm duy trì động lực để thúc đẩy hợp tác song phương.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/6, ông Suzuki cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế khu vực và toàn cầu.

Cơ chế đối thoại tài chính giữa hai nước bắt đầu từ năm 2006, đã được nối lại vào tháng 6 năm ngoái, sau 7 năm gián đoạn do quan hệ song phương căng thẳng vì những bất đồng về lịch sử thời chiến và tranh chấp lãnh thổ. Năm ngoái, hai nước đã đồng ý khôi phục lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm cung cấp vốn cho nhau trong các thời điểm khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.