Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 462,51 tỷ yen (khoảng 3 tỷ USD) trong tháng 4/2024, do giá dầu thô tăng cao và đồng yen giảm mạnh khiến giá trị nhập khẩu tăng dù cho xuất khẩu cũng tăng mạnh.
Theo số liệu chính thức được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 22/5, nhu cầu mạnh mẽ đối với ôtô đã giúp kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng tháng thứ năm liên tiếp trong tháng Tư vừa qua, tăng 8,3% lên 8.980 tỷ yen, mức cao kỷ lục cho tháng Tư hàng năm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 8,3%, lên 9.440 tỷ yen, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay trong các tháng Tư hàng năm.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất bao gồm xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng và điện), thiết bị sản xuất chất bán dẫn và chip. Trong khi đó, dầu thô và máy bay là những mặt hàng nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch mạnh nhất.
Đồng yen của Nhật Bản giảm 14,7% so với USD trong tháng Tư vừa qua, khi Chính phủ Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường để giảm tốc độ giảm giá nhanh chóng của đồng tiền này.
Đồng yen yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng cao đối với Nhật Bản, vốn là quốc gia thiếu tài nguyên, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản ở nước ngoài.
Tính theo đồng yen, giá dầu thô trong tháng Tư tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng này tính theo đồng USD là 2,6%.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng 8,8% trong tháng 4/2024, lên 1.800 tỷ yen, đánh dấu chuỗi tăng trưởng 31 tháng liên tiếp.
Sự mở rộng đà tăng trưởng này cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp một loạt các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế nhu cầu và hạ nhiệt lạm phát.
Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trong tháng Tư vừa qua giảm 13,2%, xuống 688,46 tỷ yen, lần giảm lần đầu tiên sau 15 tháng.
Với một đối tác thương mại lớn khác là Trung Quốc, Nhật Bản vẫn chịu cảnh thâm hụt thương mại tháng thứ 37 liên tiếp, lên tới 526,97 tỷ yen, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 10,8%, lên 2.110 tỷ yen, được thúc đẩy bởi các mặt hàng máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Còn kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 9,6% lên 1.590 tỷ yen, giữa bối cảnh nhu cầu đối với thiết bị sản xuất chip và xe hybrid tăng mạnh.
Cán cân thương mại của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đối với Liên minh châu Âu cũng thâm hụt 123,20 tỷ yen, tăng 68,0% so với cùng kỳ năm 2023./.
Kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh hơn dự báo
Ngày 16/5, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy GDP thực tế của nước này trong quý từ tháng 1-tháng 3/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.