Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc cao nhất 3 năm qua

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, trong 2 năm qua, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 57% kim ngạch hàng hóa Mỹ (288,8 tỷ USD) đã cam kết theo thỏa thuận thương mại song phương ký năm 2020.
Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc cao nhất 3 năm qua ảnh 1Hàng hóa Trung Quốc xếp tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ ngày 14/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu do Cục Điều tra dân số Mỹ công bố ngày 8/2, thâm hụt thương mại năm 2021 của Mỹ với Trung Quốc ở mức 355,3 tỷ USD, tăng 45 tỷ USD (tương đương 14,5%).

Đây là mức thâm hụt cao nhất của nền kinh tế số một thế giới với Trung Quốc sau con số kỷ lục 418,2 tỷ USD ghi nhận năm 2018.

Trước đó, mức thâm hụt thương mại năm 2020 là 310,3 tỷ USD, thấp nhất trong 10 năm qua do những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Một nghiên cứu do Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) thực hiện cho thấy Trung Quốc chỉ nhập khẩu 57% kim ngạch hàng hóa Mỹ đã cam kết theo thỏa thuận thương mại song phương ký năm 2020.

Theo thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" mà Mỹ và Trung Quốc đã ký kết, Trung Quốc nhất trí tăng kim ngạch nhập khẩu một số hàng hóa và dịch vụ nhất định của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức của năm 2017.

Điều này đồng nghĩa kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc phải đạt ít nhất 502,4 tỷ USD trong hai năm nói trên.

[Mỹ để ngỏ khả năng giảm thuế "có qua có lại" với hàng hóa Trung Quốc]

Tuy nhiên, Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ sang Trung Quốc trong 2 năm qua chỉ dừng lại ở mức 288,8 tỷ USD.

Báo cáo trên nêu rõ kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt 57% mục tiêu đã cam kết.

Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, đây là một minh chứng cho thấy sự thất bại của thỏa thuận vốn được đánh giá là mang tính "lịch sử" của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù vậy, viện này cũng thừa nhận thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" không phải là "vô ích hoàn toàn" do đã giúp tạm dừng "cuộc chiến" thuế quan "ăn miếng-trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước là đại dịch COVID-19 bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.