Mỹ: Hoạt động kiểm tra máy bay Boeing gặp vướng mắc về thủ tục

Do sự cố của Alaska Airlines xảy ra bất ngờ, Boeing vẫn chưa được FAA chấp thuận để thông báo cho các hãng hàng không cách thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý.

Máy bay của Hãng hàng không Alaska Airlines tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 11/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay của Hãng hàng không Alaska Airlines tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 11/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc kiểm tra an toàn trên một số máy bay của Boeing đang gặp khó khăn về thủ tục giấy tờ, khi giới chức trách của Mỹ vẫn tiến hành tìm kiếm và điều tra sau sự cố máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bung cửa sổ và phải hạ cánh khẩn cấp vào ngày 5/1 (theo giờ Mỹ).

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu các hãng hàng không tạm thời ngừng sử dụng tất cả máy bay Boeing 737 MAX 9 để điều tra nguyên nhân sự cố.

Ban đầu, FAA cho biết các cuộc kiểm tra bắt buộc sẽ kéo dài trong 4 đến 8 giờ, khiến nhiều nhà quan sát trong ngành cho rằng các máy bay có thể nhanh chóng trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, FAA và Boeing chưa thống nhất những tiêu chí kiểm tra, đồng nghĩa các hãng hàng không vẫn chưa nhận được hướng dẫn chi tiết.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, trong số 171 máy bay Boeing 737 MAX 9 chịu lệnh tạm dừng khai thác, có 144 chiếc đang hoạt động tại Mỹ.

Các hãng hàng không nước ngoài gồm Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Copa Airlines của Panama và Aeromexico của Mexico cho biết họ cũng đang ngừng sử dụng các máy bay bị ảnh hưởng.

Thông thường, bất cứ khi nào các nhà sản xuất máy bay yêu cầu kiểm tra bảo trì định kỳ, họ sẽ đảm bảo giấy tờ được các cơ quan quản lý phê duyệt trước.

Nhưng do sự cố của Alaska Airlines xảy ra bất ngờ, Boeing vẫn chưa được FAA chấp thuận để thông báo cho các hãng hàng không cách thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý.

Alaska Airlines đã thông báo hủy 170 chuyến bay hôm Chủ Nhật (7/1) và thêm 60 chuyến vào thứ Hai (8/1). Hãng đồng thời thông báo tình trạng gián đoạn hoạt động dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến giữa tuần này, trong khi thông báo hủy bay ngày Chủ Nhật đã ảnh hưởng đến gần 25.000 khách. Alaska Airlines hiện có 65 chiếc 737 MAX 9 trong đội bay.

Chuyến bay mang số hiệu Alaska Flight 1282 chở 171 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn xuất phát từ Sân bay quốc tế Portland, bang Oregon tối 5/1 đã phải quay trở lại chỉ sau 20 phút do gặp sự cố. Một cửa sổ trên thân máy bay bung ra buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo dữ liệu trên trang web theo dõi chuyến bay FlightAware, máy bay đã lên tới độ cao 4.876 m và sau đó bắt đầu hạ độ cao. Các hình ảnh được đăng trên mạng xã hội sau đó cho thấy một cửa sổ của máy bay đã biến mất, trong khi các mặt nạ dưỡng khí khẩn cấp bật ra phía trên các ghế ngồi.

Ngoài Alaska Airlines, United Airlines cũng đã hủy 230 chuyến bay vào Chủ Nhật (7/1), tương đương 8% số chuyến khởi hành theo lịch trình của hãng.

Vụ tai nạn lại đặt Boeing dưới sự giám sát chặt chẽ hơn, giữa lúc hãng này đang chờ chứng nhận cho các mẫu MAX 7 và MAX 10 vốn rất cần thiết để cạnh tranh với máy bay do Airbus sản xuất.

Trước đó hồi năm 2019, các nhà chức trách toàn cầu đã ra lệnh cấm khai thác toàn bộ máy bay MAX của Boeing, sau các vụ tai nạn liên quan tới dòng này ở Ethiopia (Ê-ti-ô-pi-a) và Indonesia (In-đô-nê-xi-a) khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Lệnh cấm đó kéo dài tới 20 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.