Mỹ hối thúc Nhật mở cửa thị trường thúc đẩy đàm phán TPP

Mỹ hối thúc Nhật mở cửa thị trường nông nghiệp và xe ôtô của nước này trong bối cảnh các cuộc đàm phán TPP lâm vào bế tắc trong vài tháng gần đây.
Mỹ hối thúc Nhật mở cửa thị trường thúc đẩy đàm phán TPP ảnh 1Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman (phải) và Thứ trưởng Nhật Bản Yasutoshi Nishimura. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman ngày 3/4 hối thúc Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp và xe ôtô của nước này trong bối cảnh các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lâm vào bế tắc trong vài tháng gần đây.

Phát biểu trước Ủy ban Thuế và An sinh xã hội Hạ viện Mỹ trong buổi điều trần về chương trình nghị sự chính sách thương mại năm 2014 của Tổng thống Barack Obama, trong đó có mục tiêu hoàn tất đàm phán thương mại tự do TPP giữa 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, ông Froman khẳng định đã đến lúc Nhật Bản nên đàm phán về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và ôtô.

Theo ông Froman, mọi con mắt đang hướng về Nhật Bản nhằm đảm bảo Tokyo mở cửa thị trường.

Ông Froman nhấn mạnh rằng điều mà Nhật Bản và các quốc gia thành viên TPP khác nhất trí khi tham gia TPP là mong muốn tạo ra "một thỏa thuận toàn diện, tham vọng và tiêu chuẩn cao."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Thuế và An sinh xã hội Hạ viện Mỹ Dave Camp khẳng định Mỹ cần hoàn tất thỏa thuận TPP trong năm nay với các thành viên khác mà không có Nhật Bản, nếu Tokyo không sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận.

Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP.

Tuy nhiên, hai nước này vẫn chưa đạt được đồng thuận về một vài lĩnh vực thương mại chính. Mỹ muốn Nhật Bản hủy bỏ các mức thuế đối với thịt bò và thịt lợn, cũng như các loại ngũ cốc; hiện quốc gia này đang áp mức thuế tới 700% đối với các sản phẩm gạo nhập khẩu.

Trong khi đó, Tokyo kiên quyết phản đối vì muốn bảo vệ các ngành sản xuất nội địa trước sự tấn công của các sản phẩm nước ngoài.

Là sáng kiến của Singapore, New Zealand, Chile và Brunei từ năm 2005 song tiến trình đàm phán TPP mới được tiến hành 3 năm gần đây với sự tham gia của 12 nước (ngoài 4 quốc gia trên còn gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam).

Hướng tới mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, TPP được coi là hiệp định thương mại đa phương tham vọng nhất kể từ khi vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu vẫn chưa có tiến triển, cho phép đặt ra “tiêu chuẩn cao” trong việc loại bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan vốn là những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng.

Đối với Mỹ, TPP sẽ giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm và là một thành tố quan trọng trong chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các quan chức nước này từng đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán TPP vào cuối năm 2013, song 12 quốc gia đã không đạt được thỏa thuận hồi tháng 12 vừa qua. Tiếp đó, đàm phán lại gặp bế tắc vào tháng Hai do bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.