Mỹ hối thúc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm

Washington sẽ hối thúc Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm đối với hàng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trị giá 600 triệu USD cho các mặt hàng gia cầm
Mỹ hối thúc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm ảnh 1Washington sẽ hối thúc Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm. (Nguồn: JOC)

Theo các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington sẽ hối thúc Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm đối với hàng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ trong các cuộc đàm phán, từ đó có thể mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trị giá 600 triệu USD cho các mặt hàng gia cầm.

Một nguồn tin cho hay cùng với yêu cầu cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các cây trồng biến đổi gen, thì vấn đề nói trên sẽ là một ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc, khi Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney sẽ đến Bắc Kinh trong tuần này với vai trò là một thành viên của phái đoàn thương mại Mỹ.

Trung Quốc hiện đang nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gia cầm mỗi năm và chiếm phần lớn trong số đó là mặt hàng chân gà, một món đặc sản ở nhiều vùng và được yêu thích trên khắp cả nước.

[Trung Quốc bất ngờ vì Mỹ theo đuổi việc khởi kiện thương mại]

Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt lệnh cấm đối với mặt hàng gia cầm của Mỹ được ban hành vào tháng 1/2015 sau đợt bùng phát dịch cúm gia cầm.

Ngành gia cầm Mỹ tin rằng nước này có thể nhanh chóng giành lại vị thế trước những đối thủ như Brazil.

Trong một diễn biến có liên quan, các nguồn cung mặt hàng lúa miến hiện đang trở nên thắt chặt đối với các nhà buôn ngũ cốc Trung Quốc muốn nối lại hoạt động nhập khẩu lúa miến từ Mỹ sau khi cuộc điều tra chống bán phá giá của Bắc Kinh đã đình chỉ hoạt động thương mại giữa hai quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu lúa miến lớn nhất thế giới này.

Từ khi Bắc Kinh chấm dứt cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng nói trên vào ngày 17/5, các nhà nhập khẩu lúa miến ở Trung Quốc đã yêu cầu các nhà cung cấp ở Mỹ kiểm tra giá và lượng hàng sẵn có, nhưng phần lớn lượng lúa miến dành để xuất khẩu đã được bán cho các nước khác trong suốt khoảng thời gian diễn ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung nói trên cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra nhiều thách thức đối với các công ty Trung Quốc muốn nhập khẩu lúa miến để làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất rượu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.