Trong ngày thứ hai của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc-Mỹ thường niên lần thứ 8 (S&ED 8) tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức cao cấp Washington hối thúc Bắc Kinh giảm bớt các rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài, cho rằng mối quan ngại về môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã gia tăng những năm gần đây khi các doanh nghiệp này phải đối mặt với nhiều quy định phức tạp hơn.
Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc thảo luận bàn tròn giữa giới chức và doanh nhân hai nước ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhấn mạnh hai chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư và hợp tác thương mại song phương. Chẳng hạn như ban hành các chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính minh bạch và có thể dự báo trong quá trình hoạch định và ban hành chính sách, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như loại bỏ những rào cản đầu tư.
Bộ trưởng Lew cho rằng những chính sách này là điều tất yếu trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách dựa vào sự tiến bộ kinh tế trong những thập kỷ tới.
Cũng tại sự kiện trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định hai nền kinh tế trở nên gắn bó với nhau hơn, chia sẻ sự phồn thịnh chung, do đó hai bên cần duy trì mối quan hệ kinh tế ổn định. Ông Kerry cũng cho rằng các rào cản đầu tư tại Trung Quốc nên được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng nước này đang thúc đẩy mở cửa thị trường, dẫn chứng các cuộc đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cam kết hoan nghênh các công ty nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/6 cho biết Trung Quốc và Mỹ đã đạt 6 thỏa thuận hợp tác kinh tế mới trong khuôn khổ cuộc đối thoại. Các thỏa thuận vừa được ký kết, trong đó có thỏa thuận giữa tập đoàn Caterpillar Inc. và Tập đoàn Phát triển Kinh tế Thượng Hải Lingang thành lập một trung tâm nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng; thỏa thuận giữa tập đoàn Cộng nghiệp hóa chất-kim loại (Mỹ) và Công ty Công nghệ Bảo vệ môi trường CPI Yuanda nhằm xử lý nước thải công nghiệp từ các nhà máy than bằng cách loại bỏ các kim loại nặng và thủy ngân;...
Các thỏa thuận trên đều thuộc chương trình Đối tác Kinh tế, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các giải pháp mà hai nước này đang phải đối mặt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Kể từ khi đi vào hoạt động, Chương trình Đối tác Kinh tế Mỹ-Trung đã đạt 36 thỏa thuận đối tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong ngày 7 và 8/6, các quan chức tham dự S&ED 8 dự kiến tiếp tục bàn thảo về nhiều vấn đề quan trọng khác như an ninh hàng hải, an ninh mạng, khủng bố, hợp tác thương mại, tình hình bán đảo Triều Tiên./.