Mỹ khẳng định ủng hộ chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ ở nước này.
Mỹ khẳng định ủng hộ chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ảnh 1Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra các đường phố ở Ankara, phản đối đảo chính. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ ở nước này, trong bối cảnh xảy ra vụ đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan.

Theo một tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra sau một cuộc họp của Tổng thống Obama với các cố vấn an ninh quốc gia, ông Obama cũng kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, hành động trong khuôn khổ luật pháp và tránh các hành động sẽ dẫn tới bạo lực và bất ổn hơn nữa.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó cũng khẳng định Mỹ "tuyệt đối ủng hộ" chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ, Mỹ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra về vụ âm mưu đảo chính, đồng thời cảnh báo rằng những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính trên là "hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại các mối quan hệ giữa hai nước."

Trước đó, một nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ám chỉ Washington đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sỹ Fehullah Gulen - người đã sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm - đứng sau âm mưu đảo chính, và Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sỹ này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Kerry, Mỹ sẵn sàng xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Ankara cung cấp các bằng chứng xác đáng về cáo buộc đối với giáo sỹ Gulen. Trong khi đó, ông Gulen cũng lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm trên, ông Kerry và ông Cavosoglu cũng thảo luận về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Liên quan vấn đề này, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã tạm ngừng các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq từ căn cứ không quân Incirlik tại tỉnh Adana miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ do lệnh phong tỏa an ninh được áp dụng tại đây sau vụ đảo chính.

Theo lệnh phong tỏa này, chính quyền địa phương không cho phép các máy bay cất cánh và hạ cánh ở căn cứ này, thậm chí cắt điện tại đây. Căn cứ này hiện đang được Mỹ và các lực lượng tham gia liên quân quốc tế chống IS tại Syria sử dụng để phục vụ các chiến dịch không kích.

Cùng ngày 16/7, Mỹ đã khuyến cáo công dân không tới Thổ Nhĩ Kỳ do những mối đe dọa gia tăng từ các nhóm khủng bố sau vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ "cảnh báo công dân Mỹ về các mối đe dọa gia tăng từ các nhóm khủng bố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ." Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Mỹ nên cân nhắc lại nếu định đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này.

Trước đó, Chính phủ Mỹ đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cấm tất cả các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ, do những bất ổn sau vụ đảo chính nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.