Ngày 10/1, Mỹ đã khởi động tiến trình thành lập lãnh sự quán ở vùng lãnh thổ tranh chấp Tây Sahara, sau khi Washington công nhận chủ quyền của Maroc để đổi lấy việc nước này bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Đại sứ Mỹ tại Maroc David Fischer cùng với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Cận Đông David Schenker đã đến thăm cảng Dakhla - nằm dưới quyền kiểm soát của Maroc, cách Rabat khoảng 1.440km về phía Nam, để bắt đầu quá trình thiết lập sự hiện diện ngoại giao của Mỹ.
Ông Fisher coi chuyến thăm này là một trong những cột mốc lịch sử trong hơn 200 năm hữu nghị Maroc-Mỹ.
[Quan hệ bí mật giữa Maroc và Israel trước khi có bước đột phá lịch sử]
Bộ trưởng Ngoại giao Maroc Nasser Bourita khẳng định nước này cảm thấy mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ với sự hỗ trợ từ các nước bạn bè.
Tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thiết lập cơ quan ngoại giao “ảo” ở Tây Sahara, trước khi tìm kiếm một địa điểm thích hợp để xây dựng lãnh sự quán.
Đến nay đã có hơn 10 nước mở văn phòng đại diện ngoại giao tại Tây Sahara, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số quốc gia châu Phi, Arab khác.
Mặt trận Polisario, do Algeria hậu thuẫn, đã tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập từ năm 1975 đến 1991, coi những động thái trên là vi phạm luật pháp quốc tế.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Tây Sahara được giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết cho vùng lãnh thổ này.
Bất chấp động thái của Washington, Liên hợp quốc vẫn khẳng định lập trường không thay đổi trong vấn đề Tây Sahara.
Mặc dù Tây Sahara là nơi sinh sống của chưa đến một triệu người, nhưng vùng lãnh thổ này cung cấp cho Maroc nguồn phốt phát phong phú, cá biển cũng như tuyến đường quan trọng đến Mauritania và phần còn lại của Tây Phi./.