Mỹ lạc quan về triển vọng chi tiêu trong mùa mua sắm cuối năm

Theo dự báo, tổng doanh số bán lẻ trong dịp lễ vào tháng 11 và 12 đạt khoảng 727,9-730,7 tỷ USD, chưa kể doanh số của các đại lý bán ôtô, trạm xăng dầu và nhà hàng.
Mỹ lạc quan về triển vọng chi tiêu trong mùa mua sắm cuối năm ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Montebello, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/10, Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) của Mỹ dự báo doanh số bán lẻ trong dịp lễ vào tháng 11 và 12 tới tại nước này sẽ tăng khoảng 3,8-4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những bất ổn về chính trị và thương mại.

Tuy nhiên, hiệp hội thương mại này cảnh báo thuế xuất nhập khẩu vẫn là nguyên nhân chính gây bất ổn mà các nhà bán lẻ phải gánh “chi phí thực sự."

Theo bản dự báo hằng năm của NRF, tổng doanh số bán lẻ trong thời gian trên đạt khoảng 727,9-730,7 tỷ USD, chưa kể doanh số của các đại lý bán ôtô, trạm xăng dầu và nhà hàng.

Con số này cao hơn so với mức doanh số bán lẻ trung bình trong dịp nghỉ lễ tăng 3,7% của 5 năm trước đó.

Nhà kinh tế trưởng NRF, Jack Kleinhenz giải thích các hộ gia đình có thể sẵn sàng chi tiêu trong mùa mua sắm dịp lễ sắp tới nhờ số việc làm và lương tăng.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) NRF Matthew Shay cho rằng dự báo khả quan này xuất phát từ việc các nhà bán lẻ nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp nhằm giảm tác động đến người tiêu dùng.

Ông Shay nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và chi tiêu tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, vị CEO này cũng đề cập đến những vấn đề gây bất ổn đáng kể bao gồm chính trị, thương mại, lãi suất, cũng như các yếu tố rủi ro toàn cầu, đang khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Ông Shay cũng lưu ý bất ổn lớn nhất đối với các nhà bán lẻ nằm ở tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như các đòn áp thuế trả đũa lẫn nhau.

Ông chỉ ra rằng căng thẳng thương mại sẽ khiến các nhà bán lẻ phải gánh chịu “chi phí thực sự” do việc áp thuế đối với mọi khâu như sản xuất, cung ứng các sản phẩm.

Bất chấp các nhà bán lẻ tìm cách thức giảm tác động đến người tiêu dùng, NRF cho biết 79% số người tiêu dùng được thăm dò ý kiến trong tháng Chín vừa qua vẫn tỏ ra lo ngại các mức thuế bổ sung sẽ khiến giá hàng hóa tăng và có thể ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ.

Ông Shay cảnh báo điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, do đó có nguy cơ tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.