Chính phủ Mỹ ngày 21/9 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sàn giao dịch tiền điện tử SUEX dựa trên cáo buộc mối quan hệ của sàn này với những đối tượng tống tiền qua phần mềm độc hại (ransomware), giữa lúc Washington tìm cách ứng phó tình trạng gia tăng mạnh các vụ tấn công kỹ thuật số.
Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với một sàn giao dịch tiền ảo. Động thái này được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực phải hành động sau những vụ tấn công và đánh cắp dữ liệu gần đây.
Bộ Tài chính Mỹ, nơi đã công bố các lệnh trừng phạt, không cho biết liệu SUEX có liên quan đến bất kỳ sự cố nào trong số đó hay không. Song bộ này lưu ý rằng 40% lịch sử giao dịch đã biết của SUEX có liên quan đến "các tác nhân bất hợp pháp."
Do các lệnh trừng phạt, bất kỳ tài sản nào của sàn giao dịch thuộc quyền tài phán của Mỹ đều bị chặn. Người dân cũng bị cấm sử dụng các dịch vụ của SUEX.
[Binance thu hẹp các giao dịch phái sinh của tiền điện tử]
Các chuyên gia từ công ty chuyên nghiên cứu tiền điện tử Chainalysis lưu ý rằng, nhiều khoản tiền lớn đã chuyển qua nền tảng với đa phần đến từ các nguồn đáng ngờ.
Một báo cáo từ Chainalysis cho biết chỉ tính riêng về bitcoin, các địa chỉ gửi tiền lưu trữ tại các sàn giao dịch lớn của SUEX đã nhận được hơn 160 triệu USD từ các tác nhân ransomware, những kẻ lừa đảo và các nhà khai thác thị trường darknet (chỉ mạng lưới các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm phổ thông như Google).
Chính phủ Mỹ cũng đưa ra cảnh báo mới đối với các công ty và cá nhân đồng ý trả tiền chuộc để mở khóa tệp của họ bị tin tặc giữ quyền truy cập. Theo đó, người dân Mỹ có thể phải chịu phạt nếu tham gia vào việc thanh toán tiền chuộc trong khi Chính phủ Mỹ đã có một danh sách đen giao dịch gồm nhiều cá nhân và quốc gia. Nhiều cái tên trong số đó có liên quan đến các cuộc tấn công bằng ransomware.
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, các cá nhân và doanh nghiệp nước này đã trả khoảng 350 triệu USD cho tin tặc trong năm ngoái, tăng vọt 300% so với năm 2019.
Các cuộc tấn công vào hệ thống mạng của đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline, công ty chế biến thịt JBS và hệ thống thư điện tử Exchange của Microsoft đã gây ra nhiều vấn đề trong thế giới thực.
Một sự cố đáng chú ý khác là vụ tấn công hệ thống của công ty phần mềm Kaseya - từ đó ảnh hưởng đến khoảng 1.500 doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Những vụ tấn công như vậy đã thu hút nhiều sự chú ý đến lỗ hổng cơ sở hạ tầng đối phó với tội phạm kỹ thuật số của Mỹ./.