Mỹ Latinh, Caribbean là đối tác chính trong chiến lược mới của Nga

Việc Nga đang nỗ lực nối lại hợp tác với các nước Mỹ Latinh, Caribbean được coi là một kế sách sáng suốt và kịp thời giúp Nga có được đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển mới.
Mỹ Latinh, Caribbean là đối tác chính trong chiến lược mới của Nga ảnh 1Tổng thống Argentina Cristina Fernandez (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc gặp tại Buenos Aires. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với ba chặng dừng chân ở Cuba, Argentina và Brazil, chuyến công du Mỹ Latinh và vùng Caribbean vào trung tuần tháng Bảy vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin mang theo hy vọng sẽ giúp mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại của Nga vào thị trường nhiều tiềm năng này.

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, Nga đang nỗ lực nối lại hợp tác với các nước khu vực Mỹ Latinh, Caribbean sau hơn hai thập niên gián đoạn do khó khăn từ cả hai phía. Hướng đi này được coi là một kế sách sáng suốt và kịp thời giúp Nga có được những đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế trước tình hình mới, đồng thời “hóa giải” những tác động kinh tế tiêu cực cũng như tình trạng bị cô lập do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nước cờ chiến lược của Nga

Với điểm đến đầu tiên là La Habana, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/7 vừa qua đã khởi đầu chuyến công du kéo dài sáu ngày đến các nước châu Mỹ Latinh, gồm Cuba, Argentina và Brazil - động thái được đánh giá là nhằm đối phó với việc phương Tây cô lập Nga vì liên quan tới tình hình bất ổn hiện nay ở Ukraine.

Tại Cuba ngày 11/7, các quan chức Nga và Cuba đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực khí đốt, công nghiệp, y tế, cơ sở hạ tầng và phòng chống thiên tai. Theo thỏa thuận ký kết, tập đoàn năng lượng Rosneft (Nga) sẽ hỗ trợ cho công ty dầu khí Cupet (Cuba) khai thác dầu tại các mỏ đang hoạt động cũng như thăm dò và phát triển mỏ dầu khí ngoài khơi.

Nga cũng ký hợp đồng hợp tác xây dựng bốn trung tâm năng lượng phục vụ các nhà máy nhiệt điện của Cuba, với trị giá trên 1,6 tỷ USD. Theo số liệu thống kê, sản lượng dầu mỏ của Cuba hiện chỉ ở mức 55.000 thùng/ngày, nhưng trữ lượng dầu mỏ của Cuba được ước tính khoảng 124 triệu thùng, chủ yếu tại các vùng biển xung quanh quốc đảo này.

Ông Putin cho hay, các doanh nghiệp Nga đang mong muốn đầu tư vào Khu phát triển đặc biệt Mariel của Cuba, đồng thời tham gia xây dựng một sân bay hiện đại.

Ngoài ra, Nga cũng quan tâm tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng mặt đất tại Cuba, phục vụ cho hệ thống định vị Glonass, qua đó cung cấp cho La Habana công nghệ, sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực định vị toàn cầu và viễn thông vệ tinh. Hai bên cũng đưa ra những đề xuất phát triển hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật tới năm 2020.

Trước chuyến công du “chiến lược” trên của ông Putin, Quốc hội Nga ngày 4/7 đã bỏ phiếu thông qua việc xóa bỏ 90% khoản nợ trị giá hơn 35 tỷ USD mà Cuba đã vay từ thời Liên Xô trước đây, đồng thời phê duyệt đề xuất dùng khoản còn lại cho chính các dự án đầu tư tại quốc gia này.

Trong chặng dừng chân kế tiếp vào ngày 12/7, Tổng thống Putin đã sang thăm Argentina và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Cristina Fernandez de Kirchner. Ông Putin hy vọng kết quả cuộc hội đàm này sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vì "Argentina hiện nay là một trong những đối tác hàng đầu của Nga ở Mỹ Latinh."

Nga đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng với Argentina, theo đó tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Rosatom (Nga) đã đề nghị nhận thầu xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới tại quốc gia này. Ông Putin cho hay Nga có công nghệ tiên tiến với các trung tâm hạt nhân hoạt động hiệu quả về kinh tế, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và an ninh.

Nga và Argentina cũng ký thỏa thuận về sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình và hy vọng sẽ tạo ra cơ sở vững chắc cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Tổng thống Argentina Fernandez cho biết, phái đoàn Nga đã đi thăm mỏ khai thác khí đá phiến Vaca Muerta (ở miền Nam Argentina). Vaca Muerta được đánh giá là một trong những mỏ có trữ lượng khí đá phiến lớn nhất tại Tây bán cầu, và có thể tăng gấp đôi sản lượng năng lượng của Argentina trong 10 năm tới.

Điểm nhấn đáng chú ý tiếp theo trong chuyến công du Mỹ Latinh lần này của ông Putin là cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil Dilma Roussef vào ngày 14/7. Nga và Brazil đã ký bảy văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, công nghệ, năng lượng và y tế. Trong đó nổi bật là kế hoạch hành động hợp tác kinh tế và thương mại các năm 2014-2015, theo đó hai bên đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD/năm.

Ông Putin cho hay Brazil là bạn hàng lớn nhất của Nga tại Mỹ Latinh, mặc dù trong những năm gần đây kim ngạch thương mại song phương có sụt giảm. Năm 2013, kim ngạch thương mại giữa Nga và Brazil ở mức 5,56 tỷ USD.

Theo ông Putin, Nga và Brazil đã có sự thống nhất trong "các vấn đề quốc tế chủ chốt." Hai quốc gia này có tiềm năng kinh tế thực sự rất lớn và hiện đã có hàng loạt dự án đầu tư thành công, trong đó có lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật, dược phẩm.

Về phần mình, bà Rousseff tuyên bố Brazil đang hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với Nga, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc Brazil và Nga tăng cường phối hợp hành động tại Nhóm các nước giàu và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Mỹ Latinh và Caribbean - Đối tác tiềm năng

Theo các nhà quan sát, mục tiêu chuyến công du Mỹ Latinh và Caribbean của ông Putin là nhằm mở rộng các quan hệ kinh tế của Nga, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là năng lượng. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng ông Putin đang có một chiến lược lớn hơn khi sử dụng "lá bài" năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Nga, thiết lập các liên minh trong khu vực.

Ngay trước chuyến công du trên, ông Vladimir Davydov, Chủ tịch Học viện Mỹ Latinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng đây là chuyến đi “lịch sử” cho thấy Nga hiểu rõ tầm quan trọng ngày càng lớn của Mỹ Latinh trong nền kinh tế toàn cầu và chính trị thế giới."

Trong khi đó, nhà phân tích Dmitri Trenin, trong bài viết đăng trên báo The Guardian, cho rằng mục đích của ông Putin khi tới Mỹ Latinh và Caribbean - thường được coi "sân sau" của đầu tàu kinh tế thế giới Mỹ, là muốn chứng tỏ sức mạnh kinh tế-chính trị của Nga. Với chuyến đi này, ông Putin muốn khẳng định Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải chỉ ở tầm khu vực.

Việc Nga bị loại khỏi Nhóm tám quốc gia công nghiệp phát triển (G8) do liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine khiến nước này tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài phương Tây. Thỏa thuận về một ngân hàng phát triển của Nhóm BRICS tại hội nghị ở Fortaleza (Brazil) vừa qua đã đưa sự hợp tác của nhóm các quốc gia này vươn lên một tầm cao mới.

Nga đang hy vọng BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ là đối trọng ảnh hưởng với phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Cụ thể, các nước thuộc BRICS sẽ thành lập quỹ góp vốn bình ổn với số vốn lên tới 100 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ là đối trọng của IMF (đang có tổng số vốn là 369 tỷ USD).

Hồi tháng 9/2008, ông Putin từng khẳng định rằng xây dựng quan hệ với Mỹ Latinh là ưu tiên hàng đầu của Nga. Trong bối cảnh hội nhập và tăng cường hợp tác toàn cầu, sự quan tâm của Nga đến Mỹ Latinh là điều tất yếu với tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, đặc biệt trong ba lĩnh vực được xem là đỉnh cao hiện nay gồm dầu khí, vũ khí và năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, IMF cho hay kim ngạch thương mại Nga-Mỹ Latinh mới chỉ đạt trên 16 tỷ USD năm 2012, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng của hai bên. Trong báo cáo Hiện trạng và Triển vọng Kinh tế Thế giới 2014, Liên hợp quốc đầu năm nay cho rằng dựa vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ảnh hưởng quốc tế đang lên, năm 2014 sẽ là một năm “đỉnh cao” đối với kinh tế Mỹ Latinh.

Dự đoán, kinh tế Mỹ Latinh có thể tăng trưởng 3,6% năm nay và 4,1% năm 2015, nhờ những tín hiệu tích cực về tiêu dùng cá nhân và hoạt động chế tạo. Với các nền kinh tế chủ lực như Brazil, Chile và Mexico, tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ Latinh sẽ ở mức cao nhất thế giới trong năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.