Mỹ, Nga nhất trí tiến hành đàm phán an ninh vào tháng 1 năm 2022

Theo quan chức Nhà Trắng, tại cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tháng 1/2022, Mỹ và Nga sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine cũng như việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Mỹ, Nga nhất trí tiến hành đàm phán an ninh vào tháng 1 năm 2022 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Ru.usembassy.gov)

Các quan chức Mỹ và Nga sẽ tiến hành các cuộc đàm phán an ninh vào ngày 10/1/2022 trong bối cảnh hai bên đều quan ngại về sự gia tăng căng thẳng liên quan đến hoạt động tăng cường quân sự xung quanh Ukraine.

Trong thông báo ngày 27/12, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết cuộc gặp này là một phần trong sáng kiến Đối thoại An ninh chiến lược đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6 vừa qua.

Theo quan chức Nhà Trắng trên, tại cuộc gặp này, Mỹ và Nga cũng sẽ đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo kế hoạch, sau cuộc đàm phán trên, các đại diện Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ nhóm họp vào ngày 12/1/2022 trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga.

[Ngoại trưởng Nga và Mỹ hội đàm bên lề hội nghị của OSCE]

Trong ngày tiếp theo, 13/1/2022, Nga cùng Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó có Mỹ, cũng sẽ tiến hành đàm phán. Dự kiến, cả hai cuộc đàm phán này sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine.

Trung tuần tháng này, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố hai bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO, theo đó Nga muốn loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông châu Âu, trước hết là ở Ukraine, mà Moskva cho là có nguy cơ đe dọa an ninh Nga.

Với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, Nga đã triển khai binh sỹ ở khu vực biên giới giáp với Ukraine, điều mà các nước phương Tây quan ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.