Ngoại trưởng Nga và Mỹ hội đàm bên lề hội nghị của OSCE

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Sergei Lavrov là cuộc thảo luận cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin ở Geneva.
Ngoại trưởng Nga và Mỹ hội đàm bên lề hội nghị của OSCE ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Reuters)

Theo kế hoạch, trong ngày 2/12, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga sẽ gặp nhau tại Thụy Điển. Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Moskva thời gian gần đây tiếp tục xấu đi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), một trong số ít diễn đàn đối thoại quốc tế mà cả Mỹ và Nga cùng tham gia.

Đây sẽ là cuộc thảo luận cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva (Thụy Sĩ) tháng 6 vừa qua.

[Nga và Mỹ thảo luận về các vấn đề an ninh cùng quan tâm]

Trước đó, ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau vào tháng 5 tại Reykjavik (Iceland), bên lề hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực - gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một phần do căng thẳng liên quan đến Ukraine. Theo đó, Ukraine đã cáo buộc Nga bố trí các đơn vị quân sự gần biên giới quốc gia Đông Âu này sau các cuộc tập trận. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã mạnh mẽ bác bỏ thông tin trên, khẳng định đây là tin giả.

Tại một hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 1/12 tại Riga (Latvia), Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng ngoại giao là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng có thể xảy ra giữa Moskva và Kiev./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.