Mỹ ngăn các công ty sử dụng thiết bị của các hãng công nghệ Trung Quốc

Từ ngày 13/8, Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp.
Mỹ ngăn các công ty sử dụng thiết bị của các hãng công nghệ Trung Quốc ảnh 1Huawei tiếp tục là ''mục tiêu'' của chính quyền Mỹ. (Ảnh: CNBC)

Từ ngày 13/8, Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp gồm Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co.

Quy định trên có hiệu lực trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ, trong đó Washington quan ngại các sản phẩm của các công ty Trung Quốc có thể được sử dụng cho các hoạt động do thám và những hoạt động khác gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ.

Theo quy định, các công ty, doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quá trình thẩm tra để đảm bảo không sử dụng các thiết bị, dịch vụ của các doanh nghiệp Trung Quốc nêu trên.

[Mỹ tăng cường chiến dịch xóa các ứng dụng của Trung Quốc]

Các biện pháp trên được thực hiện trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ năm 2018. Căn cứ đạo luật này, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã cấm các cơ quan chính phủ giao dịch với 5 công ty trên kể từ tháng 8/2019.

Theo hãng thông tấn Kyodo, quy định mới nói trên có thể ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản, buộc các công ty này phải xem xét chuyển đổi để tránh sử dụng các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc.

Hiện Chính phủ Mỹ đang có quan hệ hợp tác với hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều hợp đồng liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ. Số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2019, các hợp đồng giữa Chính phủ Mỹ và doanh nghiệp Nhật có giá trị lên tới 1,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.