Mỹ ngăn chặn thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành sản xuất chip

Quyết định ngăn chặn việc sáp nhập Nvidia và Arm được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào chip nhập khẩu.
Mỹ ngăn chặn thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành sản xuất chip ảnh 1Nvidia tuyên bố hãng sẽ tiếp tục cố gắng chứng minh thương vụ sáp nhập với Arm sẽ mang lại lợi ích cho ngành sản xuất chip. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 2/12, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn việc sáp nhập tập đoàn sản xuất chip đồ họa Nvidia và công ty thiết kế vi mạch Arm của Anh, do lo ngại thương vụ trị giá 40 tỷ USD này làm suy yếu cạnh tranh.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào chip nhập khẩu.

FTC cho rằng thỏa thuận sáp nhập nói trên sẽ cho phép Nvidia - một trong những công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới - kiểm soát công nghệ và thiết kế mà các đối thủ cạnh tranh sử dụng để tự phát triển chip.

Ủy ban này nhấn mạnh chip là một "cơ sở hạ tầng quan trọng." Chủ tịch FTC Holly Vedova khẳng định sẽ nỗ lực ngăn chặn "vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử" ngành chip bán dẫn và khả năng một tập đoàn cản trở quá trình đổi mới của công nghệ sản xuất chip.

[Mỹ: Samsung xây dựng nhà máy mới sản xuất chip ở Texas]

Phản ứng về quyết định của FTC, Nvidia tuyên bố hãng sẽ tiếp tục cố gắng chứng minh thương vụ sáp nhập này sẽ mang lại lợi ích cho ngành sản xuất chip và thúc đẩy cạnh tranh.

Trước đó, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường (CMA) của Anh đã bày tỏ quan ngại về vụ sáp nhập giữa Nvidia và Arm đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra. Thương vụ này cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề cạnh tranh.

Nvidia có trụ sở tại California (Mỹ) là một trong những công ty điện toán lớn nhất và giá trị nhất trên thế giới. Doanh số của Nvidia đã tăng vọt trong thời gian nhiều nước áp đặt phong tỏa phòng dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua các thiết bị trò chơi điện tử tăng cao.

Trong khi đó, Arm thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông Softbank có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) là công ty chế tạo và cấp phép cho các thiết kế và kiến trúc của hệ vi xử lý. Công ty này hiện thống lĩnh thị trường chip cho điện thoại thông minh trên toàn cầu.

SoftBank đã mua Arm vào năm 2016 với giá 32 tỷ USD. Năm ngoái, SoftBank thông báo bán Arm với giá 40 tỷ USD trong một thỏa thuận sáp nhập với Nvidia dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.